Phát triển văn hóa gắn với du lịch ở Chiêm Hóa

Thứ ba, ngày 01/09/2020 - 14:18
Đã xem: 4,320 views

Trong chiến lược phát triển ngành “công nghiệp không khói” ở Chiêm Hóa, địa phương đặc biệt chú trọng đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiếu số, tạo nền tảng vững chắc hướng đến phát triển du lịch cộng đồng sinh thái của huyện.

Chiêm Hóa đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng với các giải pháp vừa mang tính trước mắt, vừa lâu dài đã giúp du lịch của huyện có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với du lịch vẫn còn là một “bài toán” nan giải, bởi lẽ: Một số ít cán bộ và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích từ việc bảo tồn, phát triển văn hóa gắn với du lịch, chưa tích cực tham gia các hoạt động xây dựng làng văn hóa du lịch, một số gia đình có nhu cầu làm dịch vụ lưu trú và phục vụ ăn, uống nhưng không có kinh phí để đầu tư; không ít người dân chưa quan tâm đến việc duy trì, bảo tồn, giữ gìn phong tục tập quán truyền thống của dân tộc…

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao Đỏ tại homestay thôn Biến xã Phúc Sơn

Trong những năm vừa qua, các sự kiện văn hóa, thể thao của huyện tổ chức hàng năm chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách cấp, việc huy động xã hội hóa còn hạn chế. Công tác vệ sinh môi trường, nhà vệ sinh phục vụ khách du lịch tại các điểm, làng văn hóa du lịch cộng đồng chưa đảm bảo. Nhiều hộ dân chưa mạnh dạn tham gia làm du lịch cộng đồng, chưa chủ động đầu tư cải tạo nhà cửa, còn trông chờ vào sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước. Điều kiện kinh tế - xã hội của huyện còn nhiều khó khăn, việc đầu tư cho lĩnh vực bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống còn hạn chế. Bên cạnh đó, trình độ nhận thức của một bộ phận nhân dân hạn chế, nhất là sự tác động, giao thoa văn hóa các dân tộc, sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội đã ảnh hưởng đến phong tục, tập quán văn hóa truyền thống của nhân dân. Điều đó khiến cho du lịch của huyện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; sản phẩm du lịch ít, chưa đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm, tham quan của du khách.

Để tạo sinh kế cho người dân phát triển văn hóa gắn với du lịch, huyện Chiêm Hóa đang tập trung nguồn lực đầu tư, khai thác hiệu quả các khu, điểm du lịch trong huyện như: Di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình, danh thắng quốc gia thác Bản Ba, du lịch cộng đồng thôn Biến, xã Phúc Sơn; du lịch cộng đồng thôn An Thịnh, xã Tân An gắn với bảo tồn Hát Then, đàn Tính... Đẩy mạnh tuyên truyền, mời gọi đầu tư để thực hiện Đề án xây dựng điểm dừng chân Đèo Gà gắn với điểm du lịch cộng đồng thôn An Phú, xã Tân Thịnh giai đoạn 2018 - 2025. Bên cạnh việc gìn giữ văn hóa bản địa, huyện dự kiến tổ chức lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý, kỹ năng giao tiếp, đưa, đón khách, hướng dẫn, thuyết minh, phục vụ ăn uống, lưu trú; kiến thức liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên... Tổ chức cho các hộ gia đình làm homestay đi tham quan, học tập kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng tại các địa phương đã làm dịch vụ du lịch cộng đồng hiệu quả; Xây dựng các mô hình tham quan, trải nghiệm cùng người dân như lao động sản xuất, sản phẩm nông nghiệp, tri thức dân gian, tham quan bản làng, nghề truyền thống và mua sắm sản phẩm lưu niệm, nông sản, khám phá danh thắng, di tích lịch sử, văn hóa... Xây dựng video, tập gấp tuyên truyền, quảng bá về các homestay trên Cổng thông tin du lịch tỉnh (https//: Mytuyenquang.vn), cổng thông tin điện tử huyện, facebook, youtube...; xây dựng các biển chỉ dẫn, quảng cáo các điểm du lịch, các homestay và xây dựng các tour, tuyến đưa du khách đến các điểm du lịch trong huyện.

 Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Tày homestay tại điểm du lịch sinh thái thác Bản Ba, xã Trung Hà

Trong lộ trình phát triển, huyện đã và đang thực hiện kế hoạch quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đưa các làng văn hóa du lịch cộng đồng vừa phát triển du lịch, bảo tồn văn hóa truyền thống, gắn kết với hệ thống di tích lịch sử, kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội địa phương và triển khai đầu tư, xây dựng, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở. Tổ chức sưu tầm các giá trị văn hóa truyền thống; bảo vệ, tôn tạo các di sản văn hóa và môi trường, cảnh quan du lịch; khôi phục những nét văn hóa truyền thống đang bị mai một; duy trì và phát huy các lễ hội truyền thống…

Để đưa các chính sách về phát triển du lịch của tỉnh, huyện vào cuộc sống, địa phương đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền đến cán bộ và quần chúng nhân dân, có quyết tâm chính trị cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện gắn với kiếm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động văn hóa, du lịch. Vận dụng linh hoạt, hiệu quả các cơ chế, chính sách để tổ chức, quản lý, khai thác các di sản văn hóa gắn với gìn giữ, bảo tồn, thu hút đầu tư để phát triển du lịch.

Hy vọng với sự quyết tâm của các cấp chính quyền cùng với sự đồng lòng của đồng bào các dân tộc tại địa phương, việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn, giữ gìn các bản sắc văn hóa của huyện sẽ có thêm nhiều khởi sắc trong thời gian tới./.

Phạm Hương