Tuyên Quang: Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng lợi thế để phát triển

Thứ tư, ngày 27/05/2020 - 16:56
Đã xem: 4,901 views

Nằm cách Thủ đô Hà Nội 140km về phía Bắc, Tuyên Quang là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, một nền văn hóa đặc sắc, dồi dào tiềm năng phát triển nông nghiệp- du lịch- công nghiệp và đang khởi sắc từng ngày…

Tuyên Quang có 7 đơn vị hành chính, bao gồm: Thành phố Tuyên Quang (đô thị loại III) và 6 huyện: Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang và Lâm Bình. Đây là địa danh có lịch sử hình thành lâu đời, gắn với sự phát triển của cộng đồng các dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông, Sán Chay, Cao Lan... với những nét văn hóa độc đáo, giàu bản sắc.

Thành phố trẻ Tuyên Quang đang không ngừng phát triển

Về tự nhiên, nền đất địa phương có kết cấu tốt, thuận lợi cho các công trình công nghiệp và kết cấu hạ tầng. Đất đai và khí hậu Tuyên Quang rất phù hợp cho việc phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cùng với đó là nguồn lao động dồi dào, cơ bản đáp ứng được nhu cầu lao động cho các dự án được đầu tư trên địa bàn tỉnh. Thêm vào đó, trong những năm qua hệ thống đê bao ngăn lũ, tiêu thoát nước thủy lợi của tỉnh Tuyên Quang được đầu tư cơ bản hoàn thiện nên hằng năm hầu như không chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, cũng là một thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, Tuyên Quang là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch; trong đó nổi bật là Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào; Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình; Khu du lịch sinh thái Na Hang với diện tích trên 8.000 ha lòng hồ và khu rừng nguyên sinh rộng lớn, cùng với nhiều hang động, danh lam, thắng cảnh, là điều kiện phát triển du lịch sinh thái, mạo hiểm; Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm với nguồn nước khoáng nóng 68 độ độc đáo tốt nhất miền Bắc cùng với hệ sinh thái hài hòa, là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng.

Tuyên Quang là một vùng văn hóa giàu bản sắc với nhiều dân tộc anh em, mỗi một dân tộc lại có những nét văn hóa riêng của mình. Cái riêng kết hợp cùng với cái chung tạo thành nét độc đáo trong văn hóa tín ngưỡng, giống như một bảo tàng văn hoá, kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, đã và đang là điểm đến ưa thích của khách du lịch tâm linh trong và ngoài nước. Điểm đến nổi bật là thành phố Tuyên Quang, nơi có 13 ngôi đền thờ mẫu “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” và càng ý nghĩa hơn khi được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đặc biệt, lễ hội Thành Tuyên - điểm nhấn quan trọng trong phát triển du lịch, quảng bá con người, quê hương Xứ Tuyên đến bạn bè, du khách gần xa, đã được sách Kỷ lục Guinness Việt Nam xác nhận kỷ lục lễ hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo, lớn nhất Việt Nam. Lễ hội Lồng tồng, Lễ hội cấp sắc, hát Páo Dung của người Dao, hát Soọng Cô của người Sán Dìu, hát Sình Ca của người Cao Lan, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; nghi lễ hát Then của người Tày được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại… Đó là những lợi thế quan trọng cho quá trình phát triển của ngành Du lịch Tuyên Quang.

Với mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc vào năm 2020, Tuyên Quang đang tập trung khai thác hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh, lợi thế của tỉnh, bảo vệ môi trường, đồng thời đẩy mạnh chăm lo các lĩnh vực văn hóa xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Sản xuất tại Nhà máy may Sơn Dương của Tập đoàn dệt may Việt Nam được đầu tư tại tỉnh 

Thể hiện sự cam kết làm hết sức mình đồng hành cùng các nhà đầu tư đến với Tuyên Quang, Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm tối thiểu 30% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thân thiện, hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 đạt 63,01 điểm, đứng thứ 5 khu vực miền núi phía Bắc và đứng thứ 34 cả nước. 

Ba lĩnh vực được tập trung thu hút đầu tư ở Tuyên Quang bao gồm: Nông nghiệp, nông thôn (nuôi trồng chế; nông, lâm, thủy sản; trồng và bảo vệ rừng, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, sản phẩm công nghệ sinh học); Du lịch (Phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ lưu trú tại các khu, điểm du lịch theo quy hoạch; các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại; đầu tư phát triển du lịch); Công nghiệp (Hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ hỗ trợ công nghệ cao; Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (không bao gồm các dự án khai thác, chế biến khoáng sản), công nghiệp hỗ trợ, thu gom, xử lý, tái chế hoặc sử dụng chất thải.

Trong những năm qua, đã có nhiều dự án được mở rộng qui mô, nâng cấp dây chuyền sản xuất. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp có Dự án đầu tư đổi mới công nghệ dây chuyền sản xuất bột đá CaCO3 siêu mịn; Dự án chế biến gỗ của Công ty Cổ phần Woodland; Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang. Lĩnh vực nông nghiệp có Dự án tổ hợp sản xuất giống gia súc, gia cầm của Tập đoàn Dabaco. Một số nhà đầu tư chiến lược đã thực hiện các dự án phát triển du lịch, xây dựng cơ sở lưu trú đạt chất lượng cao tại Tuyên Quang, như: Trung tâm Thương mại, nhà phố thương mại Vincom Shophouse; Dự án Vinpearl Tuyên Quang của Tập đoàn Vingroup; Khách sạn Mường Thanh Grand Tuyên Quang của Tập đoàn Mường Thanh; Khách sạn Royal Palace; Trung tâm tổ chức sự kiện Royal Palace Center của Công ty TNHH Một thành viên Hòa Thu; Các Khu du lịch cộng đồng homestay tại huyện Lâm Bình của Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Năm sao; Dự án đầu tư vào khu du lịch sinh thái Na Hang, Lâm Bình và Dự án đường cao tốc kết nối Tuyên Quang với đường cao tốc Lào Cai - Nội Bài đang được triển khai thực hiện,… Tỉnh tiếp tục mời gọi, thu hút được một số nhà đầu tư có tiềm năng đến khảo sát lập quy hoạch chi tiết các dự án và đầu tư tại tỉnh như: Tập đoàn FLC Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn VDEX, Tập đoàn DANCO, Công ty cổ phần Tổng Công ty may Tuyên Quang LGG,…  Đến hết năm 2019 trên địa bàn tỉnh đã có 1.701 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 17.298,58 tỷ đồng; tổng số dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn tỉnh là 301 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký trên 48.939,8 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, Tuyên quang tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, nâng cao tính chuyên nghiệp và đổi mới nội dung xúc tiến đầu tư có trọng tâm, có định hướng vào các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực: Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các lĩnh vực sản xuất công nghiệp cơ khí, điện, điện tử, công nghiệp phụ trợ; đầu tư sản xuất gắn liền với chế biến sâu sản phẩm nông, lâm nghiệp; sản xuất hàng tiêu dùng; dịch vụ du lịch, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng cao,... Tăng cường công tác quảng bá và giới thiệu các tiềm năng và lợi thế của tỉnh thông qua việc chuẩn bị tốt thông tin về địa phương, tài liệu giới thiệu, mời gọi đầu tư, thông tin quy hoạch, hạ tầng, đất sạch, nguồn nhân lực, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư,... Thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi và tọa đàm với doanh nghiệp đã đầu tư tại tỉnh thông qua các Chương trình Cà phê doanh nhân tổ chức hàng quý, đặc biệt là Chương trình đối thoại doanh nghiệp nhằm lắng nghe, chia sẻ và giải quyết khó khăn của doanh nghiệp, hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, tăng cường tính liên kết, kết nối với các địa phương lân cận, phát triển chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Chủ động, tăng cường công tác phối hợp giữa trung tâm và các sở, ban ngành. Phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp để nghiên cứu thị trường, tư vấn hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tỉnh phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường mới. Tăng cường tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát và triển khai thực hiện dự án; khuyến khích các doanh nghiệp đã đầu tư mở rộng quy mô và chiều sâu...

Tuyên Quang không chỉ tích cực mời gọi, mà luôn sẵn sàng hợp tác với tất cả các nhà đầu tư quan tâm tới tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Bắc và mảnh đất Tuyên Quang lịch sử. Tỉnh đang và sẽ triển khai nhiều giải pháp cụ thể để tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; luôn cùng đồng hành và cam kết dành cho các nhà đầu tư những điều kiện thuận lợi, cơ chế ưu đãi nhất có thể trong quá trình đầu tư. Sự thành công, thịnh vượng của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài là thước đo có giá trị thuyết phục nhất về sự phát triển của tỉnh Tuyên Quang trong thời kỳ hội nhập.

                                                           Đỗ Trung Kiên

       Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang