Nghi lễ truyền thống không chỉ làm nên hồn cốt của mỗi dân tộc mà còn chứa đựng ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Vừa làm lễ cấp sắc sau gần 60 năm chờ đợi, ông Chúc Tòn Ú, dân tộc Dao đỏ, xã Lăng Can (Lâm Bình) cho hay: Giờ ông có thể thở phào nhẹ nhõm và thực sự yên tâm nếu có về với tổ tiên. Theo quan niệm của người Dao, người đàn ông chưa làm lễ cấp sắc thì vẫn chưa được coi là người trưởng thành. Quan trọng hơn, trong lễ cấp sắc ấy, ông được các thầy cúng đọc các lời răn trong các cuốn sách cổ của tổ tiên. Ông thấy vô cùng thấm thía.
Nghi lễ cầu an vẫn được duy trì trong đời sống đồng bào Tày, Nùng
Ngần ấy tuổi rồi mà lúc ấy ông vẫn rơi lệ. Ông cảm thấy ân hận vì trong cuộc sống đã có lúc mình đối xử chưa tốt, chưa hết trách nhiệm với gia đình, người thân; và không ít lần vì nóng giận mà hành xử không đúng với hàng xóm... Sau lễ cấp sắc, ông thấy mình ngộ ra nhiều điều, trong đó quan trọng nhất là cách đối nhân xử thế. Rồi ông thở dài, giá mà ai cũng có thể hiểu được điều này trong cuộc sống thì tốt biết bao.
Nghi lễ cấp sắc hiện nay vẫn được duy trì trong cộng đồng người Dao như một nét đẹp văn hóa. Với tính giáo dục sâu sắc, nghi lễ Cấp sắc của người Dao đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Giáo lý, triết lý sâu sắc, đó là các nghi lễ truyền thống của các dân tộc hướng đến. Nghi lễ Then của người Tày là minh chứng sống động. Theo các bậc cao niên, nghi lễ Then có giá trị nghệ thuật rất cao, rất nhân văn và đều hướng đến cuộc sống con người. Then chứa đựng nhiều nội dung: thứ nhất, tính nhân văn rất cao; thứ hai, phản ánh khả năng sáng tạo tuyệt vời về đời sống văn hóa tinh thần của tổ tiên xa xưa; thứ ba, thể hiện tình yêu giữa con người với con người, con người với thiên nhiên vạn vật cỏ cây, tình yêu quê hương, yêu Tổ quốc... UNESCO vinh danh Then dựa trên những minh chứng rất rõ nét, cụ thể: “Then là di sản trí tuệ được con người cổ xưa sáng tạo ra, phản ánh phong tục tập quán, đời sống tinh thần phong phú giàu chất nhân văn của con người - thế giới - vũ trụ.
Then hàm chứa tính nghệ thuật tiêu biểu, đặc sắc, đặc trưng riêng có của đồng bào Tày, Thái, Nùng ở Việt Nam. Then thể hiện tính cộng đồng, bác ái, tình đoàn kết giữa các tộc người, tôn trọng thế giới quan tộc người đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO”.
Then được duy trì, phát triển trong đời sống người Tày.
Hiện nay việc thực hành nghi lễ Then và hát Then được duy trì phát triển rộng khắp trong các bản làng. Các CLB hát Then, đàn Tính được thành lập trong các thôn, xóm, một số trường học đã góp phần lan tỏa điệu Then ra cộng đồng.
Cùng với Then, Lễ cấp sắc, Lễ Đại Phan của người Sán Dìu cũng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ Đại Phan là sự tích hợp những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc trưng của người Sán Dìu, tiêu biểu là nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn cộng đồng với không gian hành lễ mang đậm màu sắc tâm linh, phản ánh đời sống tinh thần phong phú, với những điệu múa, bài dân ca được lưu truyền nhiều đời nay. Bên cạnh đó, lễ còn biểu hiện một trình độ thẩm mỹ cao với rất nhiều tranh vẽ, hình cắt giấy trang trí trên đàn lễ, phản ánh tư duy phong phú của người Sán Dìu về thế giới siêu hình, về vũ trụ luận.
Hiện nay, đồng bào các dân tộc còn nhiều nghi lễ như: Lễ cầu an, cầu mùa, lễ cầu may... Dù nghi thức thực hành các nghi lễ có khác nhau trên cơ sở phong tục, tập quán của các dân tộc nhưng tựu trung lại đều hướng đến giáo dục con người về cách đối nhân, xử thế; về học tập, lao động sản xuất... Đó là tài sản tinh thần vô giá mà các thế hệ đã gìn giữ, lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Theo TQĐT