Trống sành - báu vật linh thiêng của người Cao Lan

Thứ năm, ngày 08/06/2023 - 07:45
Đã xem: 746 views

Từ xa xưa đến nay, trống sành đã tồn tại trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Cao Lan như một câu chuyện tâm linh. Mỗi khi tiếng trống vang lên được xem như là cầu nối giữa người Cao Lan với thần linh trong các nghi lễ quan trọng của bản làng. Tiếng trống thể hiện ước mơ, khát vọng của đồng bào Cao Lan vượt qua mọi khó khăn trở ngại trong cuộc sống. Chính vì vậy, mà đồng bào Cao Lan coi trống sành như một báu vật linh thiêng của bản làng.

Báu vật linh thiêng

Trong tâm niệm của đồng bào Cao Lan xưa, mỗi khi có tiếng trống sành vang lên sẽ báo hiệu bản làng, gia đình có công việc quan trọng trong việc cúng thần linh, làm lễ cầu mưa, cầu mùa, cầu may, cầu mát hay nhà thầy cúng huấn luyện đạo tràng...

Nghệ nhân nhân dân Sầm Văn Dừn ở xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, cho biết: trống sành được coi là báu vật của bản làng, chỉ người đức độ, có uy tín mới được sử dụng và bảo quản. Khi lấy ra sử dụng phải có lễ vật xin thần linh để được sử dụng trống. Có như vậy, tiếng trống mới vang vọng được hết mọi cung bậc, thể hiện được hồn vía, mơ ước khát vọng của đồng bào Cao Lan giúp con người vượt qua mọi khó khăn, trở ngại.

Trống sành, nhạc cụ đánh đệm cho các điệu múa của người Cao Lan.

Trống sành được làm từ chất liệu sành nên có tên là trống sành, 2 bên được bịt bằng da trăn hoặc kỳ đà. Ngày nay, da trăn và da kỳ đà ngày một hiếm, người Cao Lan thường thay bằng da dê. Các dây buộc xung quanh trống, trước đây người ta sử dụng dây trên rừng để tết lại. Mặc dù loại dây lấy trên rừng thường dẻo hơn nhưng độ bền không cao, nhất là khi trống được sử dụng liên tục nên ngày nay ở nhiều nơi người Cao Lan đã sử dụng dây cước để thay thế. Ngày thường, nếu không có công việc gì người ta sẽ tháo bỏ 2 bên da của trống sau đó treo trên gác bếp để tránh phần da của trống bị mối mọt.

Trống sành là nhạc cụ không thể thiếu khi cúng thần linh của người Cao Lan.

Nhạc cụ quan trọng trong các điệu múa truyền thống

Trống sành ngoài việc sử dụng trong nghi lễ tâm linh còn được dùng để đánh đệm cho các điệu múa của dân tộc Cao Lan trong ngày hội với các tiết mục tiêu biểu như: “Múa chim gâu”, “Múa xúc tép”, “Múa tam nguyên”, “Múa khai đao phát lộ”… Khi biểu diễn trống được dùng dây đeo ngang người, một bên thì vỗ bằng tay, một bên dùng dùi trống gỗ nhỏ gõ vào mặt trống một cách dứt khoát sao cho thời gian dùi trống chạm vào mặt trống là ngắn nhất. Âm thanh Tiếng trầm của mặt lớn đan xen với tiếng que gõ nhẹ bong của mặt trống nhỏ hòa cùng với bước nhảy theo nhịp trống và điệu múa tạo nên không khí rộn ràng và sôi động. 

Vừa nhâm nhi chén trà ông Sầm Văn Dừn kể lại: hơn 30 năm trước ông làm lễ xin thần linh cho đem trống ra biểu diễn. Khi ấy người làng Mãn Hóa thấy lo lắng cho ông. Họ sợ ông bị thần linh trách mắng, bởi từ trước tới nay trống sành chỉ được mang ra sử dụng trong những dịp trọng đại của làng. Nhưng ông Dừn đã ngửa mặt lên trời cầu khấn thần linh và các vị tổ tiên phù hộ, cho phép ông mang trống sành của người Cao Lan đi biểu diễn để quảng bá văn hóa dân tộc mình.

Gia đình anh Sầm Anh Đạo, thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú (Sơn Dương) vẫn còn gìn giữ được chiếc trống sành của người Cao Lan xưa.

Để trống sành không còn là một nhạc cụ nằm mãi nơi góc nhà mà phải có nhiều người biết đến cái hay, cái đẹp của nó cũng như văn hóa Cao Lan. Việc làm của ông không bị thần linh trách mắng và được người làng Mãn Hóa ủng hộ ngày một nhiều hơn.

Nhờ trống sành và các điệu múa đã đem về cho ông Sầm Dừn và đội văn nghệ của người Cao Lan nhiều giải thưởng. Đó là năm 1999, đội văn nghệ của ông Sầm Dừn được Bộ Văn hóa - Thông tin tặng Huy chương Bạc tiết mục múa cờ trên nền đệm trống sành trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ Nhất tại tỉnh Lạng Sơn; Huy chương Vàng tiết mục múa khai đèn trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ Ba tại tỉnh Quảng Ninh năm 2002…

Giống như tiếng hát Sình Ca tồn tại từ ngàn đời và là niềm tự hào của người Cao Lan thì trống sành cũng tồn tại cùng người Cao Lan chứng kiến bao niềm vui, nỗi buồn của làng bản theo từng năm tháng, là tài sản vô giá trong văn hóa, tín ngưỡng tâm linh và đời sống của người Cao Lan.

Theo TQĐT