Đặc sắc du lịch xứ Tuyên

Chủ nhật, ngày 25/06/2023 - 14:55
Đã xem: 1,402 views

Sự đa đang về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, lịch sử, văn hóa, con người đã tạo cho tỉnh Tuyên Quang nhiều loại hình du lịch độc đáo, như du lịch lịch sử, văn hóa du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, khám phá, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, lễ hội. Mỗi một loại hình du lịch có nét độc đáo riêng, tạo nên bản sắc của du lịch xứ Tuyên.

Vẻ đẹp hoàng hôn tại Hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình.
 

Trước đây, du khách chỉ biết đến Tuyên Quang thông qua du lịch lịch sử, tín ngưỡng với hệ thống các điểm di tích thờ tự nằm dọc theo đôi bờ sông Lô. Nhưng Tuyên Quang đâu chỉ có vậy. Nơi này còn là vùng đất giàu bản sắc văn hóa truyền thống bản địa, lại được thiên nhiên ưu đãi với những cảnh sắc tuyệt đẹp, luôn cuốn hút mỗi bước chân du khách. Thực tế cho thấy, những năm trước đây, lĩnh vực du lịch của Tuyên Quang chưa thực sự phát triển, chưa có trên bản đồ du lịch Việt Nam. Người ta biết đến du lịch Tuyên Quang chỉ thông qua hệ thống các điểm di tích lịch sử, di tích tín ngưỡng. Điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng là chúng ta chưa có được cơ chế phù hợp để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển nhanh và bền vững; đồng thời đây lại là tỉnh miền núi nằm sâu trong nội địa, xa cửa khẩu, bến cảng, xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước.
 

Giữa miên man sông nước, núi rừng đây mới đích thực là bản song tấu hòa hợp bản sắc riêng có của con người Tuyên Quang.
 

Văn hóa bản địa, bản làng trù phú, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ ở Tuyên Quang cũng giống như người con gái đẹp đang ở tuổi đương thì và rực rỡ nhất. Vẻ đẹp ấy rất cần nhiều người biết đến trong chiến lược phát triển kinh tế du lịch ở một tỉnh miền núi như xứ Tuyên, nơi thôi thúc bất cứ ai muốn đến khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp như tiên cảnh của mảnh đất này. Giữa miên man sông nước, núi rừng đây mới đích thực là bản song tấu hòa hợp tuyệt đỉnh nhất, chất chứa gần như tất cả những tinh túy và bản sắc riêng có của con người Tuyên Quang, của vùng đất lịch sử giàu truyền thống cách mạng, nguyên sơ và bình dị.

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kì 2020 - 2025 xác định 3 khâu đột phá quan trọng trong nhiệm kì này. Bên cạnh việc tập trung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại thì tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Tạo ra bước đột phá để du lịch Tuyên Quang “cất cánh” không phải là nhiệm vụ đơn giản. Cần có một chiến lược đồng bộ hơn, đáp ứng yêu cầu trong điều kiện của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn.
Tỉnh đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch như tích hợp cơ sở dữ liệu du lịch vào quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Du khách chèo thuyền kayak khám phá Hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình.
 

Trong những năm qua, Tuyên Quang đã chú trọng liên kết với các đơn vị doanh nghiệp, các công ty lữ hành và các địa phương trong khu vực để hình thành nên các tour, tuyến, với các trụ cột chính của du lịch là: Du lịch lịch sử; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch tâm linh. Đặc biệt, ở đây còn là vấn đề đầu tư cho hạ tầng du lịch; việc triển khai xây dựng đường tốc độ cao Tuyên Quang - Hà Giang kết nối vào cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; xây dựng đường Na Hang - Ba Bể (Bắc Kạn) hình thành tuyến đường 2 điểm đến, tạo dấu ấn, thu hút du khách. Mai này, tuyến cao tốc này đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian, khoảng cách địa lí giữa Tuyên Quang và Hà Nội và các tỉnh thành khác trong nước.
 

Trải nghiệm cắm trại ngắm cảnh đầy thú vị ở nơi đại ngàn sơn cước.
 

Du khách được tận hưởng cuộc sống thanh bình yên ả nơi núi rừng sông nước gần như còn nguyên sơ chưa bị tác động bởi cuộc sống đô thị hóa phồn hoa. Ngồi trên chiếc thuyền du lịch dạo quanh hồ nước mênh mông xanh ngắt của hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình, bạn sẽ được thỏa thích ngắm nhìn núi rừng nguyên sinh trùng điệp nhấp nhô trên biển nước mênh mông giống hệt như "Vịnh Hạ Long”. Trên đó còn lưu giữ được hàng nghìn loài thực vật gỗ quý hiếm như: Bách xanh, hoàng đàn, đinh, lim, thông lá tre... và hàng trăm loài động vật đặc hữu như: Gấu, hươu, nai, lợn rừng… tại đây có gần chục loài khỉ, trong đó có voọc mũi hếch, voọc đen má trắng thuộc loại cực quý hiếm. Quỹ Bảo tồn thế giới của Mỹ (WWF-US) đã xác định đây là một trong những hệ sinh thái có giá trị đa dạng sinh học thuộc nhóm cao nhất trên thế giới. 
 

Đến Tuyên Quang không những được khám phá vẻ đẹp mà du khách còn được thưởng thực ẩm thực xứ Tuyên.
 

Ẩm thực của vùng đất nơi đây cũng vô cùng phong phú và độc đáo: xôi ngũ sắc được làm từ lá cây rừng ngâm với gạo nếp nương thơm nức; rượu ngô được ủ bằng men lá tạo hương vị nồng say dịu mát; thịt trâu khô được tẩm ướp đủ gia vị thiên nhiên và được treo bảo quản trên gác bếp củi hàng năm trời làm cho khổ thịt săn chắc, quắt lại, đen sậm như khúc rễ khô, khi dùng đem ngâm nước cho mềm ra rồi thái mỏng xào với măng rừng ủ chua...
 

Các khinh khí cầu tại lễ hội do các phi công quốc tế dày dạn kinh nghiệm đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Hà Lan, Ấn Độ, Slovakia, Nga, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam điều khiển.


Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng về du lịch theo hướng bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng như mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đa dạng hóa các loại hình du lịch... Với nhiều loại hình du lịch phong phú, Tuyên Quang đang trở thành điểm đến hấp dẫn.

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, với gần 500 di tích lịch sử, văn hóa cùng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, Tuyên Quang được đánh giá là “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống và là địa điểm tham quan hấp dẫn của du khách với nhiều loại hình du lịch hấp dẫn. Xác định du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, tỉnh đã xây dựng 5 sản phẩm du lịch đặc sắc gồm du lịch hoài niệm (Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, Di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình); du lịch nghỉ dưỡng (suối khoáng Mỹ Lâm); du lịch tâm linh (các đền, chùa tại thành phố Tuyên Quang); du lịch sinh thái (Na Hang, Lâm Bình); du lịch lễ hội (Lễ hội thành Tuyên, Lễ hội nhảy lửa).

Bên cạnh việc duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có, tỉnh xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mới. Đó là du lịch mạo hiểm - bay khinh khí cầu, đua xe đạp địa hình, khám phá hang động, khám phá, du lịch trải nghiệm trong rừng tại huyện Na Hang; bơi mảng - Hát Then trên hồ Nà Nưa tại Tân Trào, huyện Sơn Dương.

Tỉnh hình thành, đầu tư điểm checkin tại các điểm du lịch tại Na Hang, Lâm Bình; phát triển mô hình đón khách du lịch trải nghiệm theo mùa như lễ hội hoa lê, mùa vàng Hồng Thái (huyện Na Hang); khai trương tuyến phố đi bộ tại huyện Hàm Yên, thành phố Tuyên Quang; chú trọng phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nghề truyền thống phục vụ du lịch.

Chỉ vài số liệu trên để chứng minh, du lịch Tuyên Quang đang có bước phát triển khá ấn tượng. Năm 2010, chỉ có khoảng 500.000 lượt khách du lịch thì đến năm 2019, đã thu hút gần 2 triệu lượt khách, tổng thu xã hội từ du lịch đạt khoảng 1.750 tỷ đồng. Riêng năm 2022, Tuyên Quang đón gần 2 triệu 400 nghìn lượt du khách. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt gần 2 nghìn 500 tỉ đồng. Tính đến ngày 15/6/2023, lượng du khách 6 tháng đầu năm 2023 ước 651.620/860.000 lượt khách, đạt 75,8% kế hoạch (tăng 79% so với cùng kỳ năm 2022). Doanh thu xã hội về du lịch ước 818,5/1.083 tỷ đồng, đạt 75,6% kế hoạch (tăng 88% so với cùng kỳ năm 2022).

Giờ đây, lĩnh vực du lịch không chỉ là trách nhiệm của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở mà du lịch còn có sự tham gia của các doanh nghiệp, của mỗi người dân. Mỗi người là một đại sứ du lịch. Để du khách đến với Tuyên Quang không chỉ được trải nghiệm, tham quan, sử dụng dịch vụ, tìm hiểu phong tục, văn hóa mà cảm nhận được hơi ấm tình người xứ Tuyên. Khách du lịch nội địa và khách quốc tế đã biết nhiều hơn đến Tuyên Quang và sẵn sàng lên kế hoạch cho những chuyến trải nghiệm.

Theo: ĐNTQ.