Nghệ nhân làm đèn Trung thu

Thứ hai, ngày 24/07/2023 - 08:36
Đã xem: 360 views

Nhìn bề ngoài, ít người có thể hình dung anh Phạm Ngọc Toán, tổ 15, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) là chủ nhân của những mô hình đèn Trung thu khổng lồ lung linh sắc màu. Cái dáng vẻ ù ì, chân chất và... hơi quê, khiến người ta dễ nhầm lẫn anh sang hình ảnh nông dân hay lao động chân tay hơn là người nghệ nhân của những mô hình đèn Trung thu khổng lồ nổi tiếng của Tuyên Quang.

Thỏa ước mơ con

Xưởng sản xuất của anh Phạm Ngọc Toán nằm trong con ngõ nhỏ ở tổ 15, phường Phan Thiết. Bất kể mùa nào trong năm, tiếng hàn xì, khung thép cũng ngổn ngang khắp xưởng. Anh Toán cười, bảo chưa bao giờ nghĩ cái nghề “nửa mùa” ngày nào giờ lại trở thành nghề chính của mình.

Nghệ nhân Phạm Ngọc Toán tất bật hoàn thành các mô hình đèn theo đơn đặt hàng.

Đến với nghề làm mô hình Trung thu khá tình cờ. Năm 1998, khi cậu con trai cả còn ở tuổi cháo bột, mỗi bữa ăn với cu cậu là cuộc chiến của cả gia đình. Người bế con, người bê bát, người khua chiêng gõ trống… Anh Toán tự nhận mình là người thương con đến xót ruột. Sẵn khéo tay, anh rủ mấy nhà có con nhỏ quanh đấy tạo ra một chiếc xe mô hình mô phỏng lại hình ảnh “Đám cưới chuột”, mục đích chỉ để “dụ” cậu con trai ăn cho đỡ vất vả.

“Hiệu quả thật cô ạ! Tiếng nhạc, hình ảnh đèn chiếu sáng lung linh khiến lũ trẻ thích mê”. Hết giờ ăn, cả xóm lại rủ nhau chạy xe khắp thành phố. Đi đến đâu, già trẻ lớn bé ùa ra xem đến đấy.

Có lần đẩy xe đến khu vực Trung tâm Hội nghị, có cụ bà chầm chậm đi theo đoàn cả cây số, vừa đi vừa tủm tỉm cười. Anh em sợ cụ mệt, liền mời cụ lên xe ngồi. Cụ bảo, sống đến ngần này tuổi, lần đầu tiên cụ được đón một Trung thu vui và rực rỡ như thế, đi xa nữa cũng không thấy mệt. Anh Toán bảo, đây chính là động lực để những năm sau đó, anh và bà con tổ 15 phường Tân Quang tiếp tục sáng tạo những mô hình đèn Trung thu để không chỉ mang lại niềm vui cho con trẻ, mà còn mang niềm vui đến cho cả những người lớn tuổi.

“Muốn được vui con trẻ, phải nhìn bằng mắt chúng”

Sau mô hình “Đám cưới chuột”, dịp Trung thu những năm sau đó, bà con trong tổ dân phố lại bảo nhau góp tiền, góp sức, làm thêm nhiều mô hình đèn Trung thu nữa. Sau này, Lễ hội được nâng cấp thành Lễ hội cấp thành phố, rồi Lễ hội cấp tỉnh. Tay nghề của nghệ nhân không danh Phạm Ngọc Toán nhờ thế càng có đất sáng tạo.

Mô hình đèn Đám cưới chuột của anh Phạm Ngọc Toán sinh động và đẹp mắt.

Những mô hình đèn Trung thu mô phỏng hình ảnh các con vật, mô phỏng các câu chuyện cổ tích hay mô phỏng những bộ phim hoạt hình nổi tiếng, như Rồng, Phượng, những tích chuyện cổ như Tấm Cám, Thánh Gióng hay Tôm và Jerry, Đi tìm Nê-mô... sống động như mời gọi người xem bước vào thế giới trẻ thơ.

Anh Toán bảo, trước mỗi mùa Trung thu, mình đều dành thời gian tìm kiếm và xem lại những bộ phim hoạt hình nổi tiếng thế giới, đọc lại những câu chuyện cổ tích hay nhất của Việt Nam để lấy cảm hứng sáng tạo.

“Muốn có được niềm vui của con trẻ, mình phải nhìn bằng ánh mắt của chúng. Nếu chỉ dùng ý chí chủ quan của mình thì sản phẩm làm ra sẽ không có hồn đâu”. Chẳng thế mà nhiều mô hình anh làm, dẫu chưa hoàn chỉnh, nhưng lũ trẻ mỗi lần chạy qua xưởng đều reo vang: A Tôm và Jerry này! A, đi tìm Nê - mô!... Nhiều phụ huynh trước bữa cơm đều nhắc con, ăn nhanh mẹ cho sang nhà bác Toán xem đèn!

Cứ thế, mỗi ngày, những lời động viên vô giá này trở thành món quà, động lực để anh Toán sáng tạo.

“Xuất khẩu” đèn Trung thu khổng lồ

Từ công việc thời vụ, giờ xưởng của anh Phạm Ngọc Toán hoạt động hết công suất suốt cả năm.

Từ làm đèn Trung thu khổng lồ cho các tổ dân phố, các phường, xã trên địa bàn thành phố, đến làm mô hình cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Thời điểm năm 2021 - 2022, dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Phan Thiết, cả xóm chăng dây cách ly nhà với nhà, nhưng xưởng anh Toán vẫn hoạt động vì đã có đơn đặt hàng của nhiều Resort ngoài tỉnh. Thợ đeo khẩu trang kín mít, nguyên vật liệu chuyển từ ngoài vào theo tuần để hoàn thành.

Mô hình đèn Thánh Gióng của nghệ nhân Phạm Ngọc Toán.

Những mô hình đèn của anh Toán giờ đã có mặt khắp các tỉnh Quảng Ninh, Hà Nội, Hà Giang, Yên Bái, Nghệ An... Anh bảo, không rõ vì sao họ biết đến mình, vì anh Toán gần như nói “không” với mạng xã hội hay việc tự quảng bá mình. Anh Toán bảo, có lẽ người ta biết đến mình, đặt hàng mình vì tính thẩm mỹ và bền của sản phẩm. Thay vì dùng giấy bóng kính hay đề can, anh Toán dùng toàn bộ mê ca để trang trí phía ngoài mô hình. Đây là chất liệu cực bền, bắt sáng tốt và tạo tính thẩm mỹ cao cho sản phẩm. Anh bảo, như 6 mô hình trong bộ 12 con giáp do anh thực hiện, gồm Rồng, Hổ, Ngựa, Lợn, Chó, Dê tại khu vực Hồ Công viên Tân Quang đến thời điểm này vẫn lung linh và thu hút người xem.

Mỗi năm, mô hình đèn Trung thu của anh Phạm Ngọc Toán lại được nâng cấp lên một trình độ cao hơn. Những năm đầu tiên chỉ là mô hình có lắp đèn, sáng lung linh, thì những năm sau là mô hình chuyển động. Từ chuyển động một phần như chân, đầu, giờ các mô hình của anh làm có thể chuyển động cả cơ thể. Anh Toán tự hào khoe, như mô hình cánh bướm khổng lồ đặt tại Khu vườn Nhật trong Khu vui chơi Sun Wheel Hạ Long (Quảng Ninh) là do anh thiết kế, cánh bướm chuyển động hoàn toàn dựa vào sức gió chứ không phải dùng bất cứ nguồn điện nào.

Năm nay, mô hình đèn Trung thu của tổ 15 do anh Phạm Ngọc Toán thiết kế, xây dựng là mô hình “Voi 9 ngà - Gà 9 cựa - Ngựa 9 hồng mao”. Phần mô phỏng, là cậu con trai năm nào là nguồn cảm hứng để anh sáng tạo - đang làm Kiến trúc sư ở Hà Nội thiết kế. Phần thiết kế do anh thực hiện, tất cả đều ứng dụng kỹ thuật nổi 3D mới nhất trên từng chi tiết. Anh bảo cái khó nhất trong sáng tạo các mô hình đèn Trung thu khổng lồ là ở ý tưởng tốt, sau đó đến phần dựng hình. Đây chính là nhân tố quyết định cái hồn của một mô hình.

Tâm niệm của anh Phạm Ngọc Toán là phải tạo được dấu ấn cá nhân trên từng sản phẩm do mình làm ra. Sản phẩm phải “độc đắc”, bền, đẹp và có ý nghĩa sâu sắc với con trẻ. Có như vậy, cái tâm làm nghề của người thợ tay ngang như anh mới không hổ thẹn với đời!

Theo TQĐT