Đồng bào Pà Thẻn ở Hồng Quang giữ gìn nghề dệt thổ cẩm

Thứ hai, ngày 09/10/2023 - 11:12
Đã xem: 834 views

Những cô gái dân tộc Pà Thẻn xúng xính trong bộ váy truyền thống rực rỡ là hình ảnh quen thuộc mỗi khi ai có dịp đến với xã Hồng Quang (Lâm Bình), nhất là trong các ngày lễ, Tết. Để có được bộ váy rực rỡ đó, người phụ nữ Pà Thẻn đã rất khéo léo, tỉ mỉ trong việc thêu thùa, đặc biệt chị em vẫn luôn gìn giữ nghề dệt thổ cẩm để làm trang phục truyền thống.

Theo những người phụ nữ cao tuổi trong thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình), nghề dệt thổ cẩm có từ xa xưa, người con gái Pà Thẻn thường được bà, mẹ truyền dạy lại cho nghề dệt, thêu để có thể làm được một bộ trang phục diện trong các dịp lễ, Tết. Đặc biệt, trước khi về nhà chồng ai cũng tự làm cho mình một bộ trang phục đẹp nhất. Điều đó còn thể hiện sự khéo léo, đảm đang của người con gái Pà Thẻn.

Phụ nữ thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang bên khung dệt.

Tuy nhiên, qua thời gian, nghề dệt thổ cẩm cũng ngày càng bị mai một. Để giữ gìn và phát huy nghề dệt, UBND xã đã phối hợp tổ chức lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho chị em phụ nữ thôn, xã, đã thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia. Chị Sìn Thị Nghiệp, thôn Thượng Minh chia sẻ, tham gia lớp học nghề dệt thổ cẩm, chị và các chị em được học cách dệt sao cho đẹp, được hướng dẫn cách phối màu, tạo hoa văn… Nhờ vậy, nhiều chị em đã dệt thành thạo và có thể làm hoàn chỉnh một bộ váy truyền thống của phụ nữ Pà Thẻn.

Phụ nữ Pà Thẻn, xã Hồng Quang (Lâm Bình) dệt thổ cẩm.

Một bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Pà Thẻn gồm có mũ, áo, váy, dây thắt lưng… Chị Sìn Thị Thơm, thôn Thượng Minh cho biết, để làm một bộ trang phục thường mất vài tháng, từ việc dệt vải, nhuộm, khâu, thêu hoa văn trang trí đều được người phụ nữ Pà Thẻn làm thủ công rất tỉ mỉ, cầu kỳ. Ngày nay, việc hoàn thiện một bộ trang phục truyền thống không chỉ để chị em mặc trong các dịp lễ, Tết, mà còn trở thành sản phẩm du lịch để phục vụ nhu cầu của du khách. Mỗi bộ váy, áo thường có giá hơn 3 triệu đồng.

Theo người phụ nữ nơi đây, phần lưng áo thường được thêu cầu kỳ nhất. Trên trang phục của người Pà Thẻn thường có các hình như cây cầu, ngôi nhà, con chó, hình quả trám, hình chữ A… Hoa văn trên bộ trang phục được sử dụng hai phương pháp là ghép vải và thêu chỉ màu. Xen giữa hoa văn thêu tay là mảng hoa văn dệt với nhiều màu sắc, trong đó màu đỏ là chủ yếu, tạo nên sự rực rỡ, bắt mắt và đặc trưng của bộ trang phục.

Phụ nữ Pà Thẻn, xã Hồng Quang (Lâm Bình) khéo léo tạo hoa văn dệt thổ cẩm.

Xã Hồng Quang (Lâm Bình) có trên 100 hộ dân tộc Pà Thẻn sinh sống. Cùng với Lễ hội nhảy lửa vừa được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, thì nghề dệt thổ cẩm cũng được người dân nơi đây giữ gìn và phát huy. Qua đó, góp phần làm phong phú bản sắc văn hoá dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch của địa phương.

Theo TQĐT