“Lễ hội Thành Tuyên” giờ trở thành từ khoá hot trên các nền tảng mạng xã hội. Sự đầu tư, chỉn chu của các tổ dân phố trong việc lên ý tưởng, làm mô hình; sự hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình, hết mình của mỗi người dân – từ già đến trẻ - để đem lại hình ảnh một lễ hội sôi động, hoành tráng nhất trong lòng du khách. Tất cả, đã khẳng định đây thực sự là lễ hội của lòng dân.
Từ đầu tháng 7 âm lịch – cái tháng mà dân gian vẫn gọi là tháng cô hồn, những con đường của thành phố đã rộn ràng mô hình diễn diễu. Người dân thành phố vẫn đùa nhau, rằng chúng ta có tới 2 "tháng cô Hằng", trẻ em được đón Trung thu sớm nhất cả nước.
Lũ trẻ nhà tôi tuần nào cũng xin ra đường vào 2 ngày cuối tuần, ríu rít đọc tên từng nhân vật khi mô hình đi qua, nào rùa, nào thỏ, nào Bà Trưng, Bà Triệu, Thánh Gióng đánh giặc, thuyền rồng… Cậu anh tỉ mẩn, giải thích cho em ý nghĩa của từng mô hình. Xung quanh chúng tôi, những đôi mắt háo hức của lũ trẻ, những cái nhìn trầm trồ thán phục của người lớn, những lời xuýt xoa của cặp đôi lần đầu được chứng kiến như xoá đi cái nóng hấp hẩy của những ngày giao mùa. Và xen lẫn trong không gian đậm tiếng nhạc và lấp loá ánh sáng, là niềm tự hào của mỗi người dân Tuyên Quang mỗi khi một mô hình diễn diễu qua trước mắt.
Có lẽ, hiếm có một lễ hội nào, mà người già, người trẻ, thiếu nhi đều háo hức như thế. Tôi nhớ hình ảnh những cụ ông cụ bà U60, U70, nhớ những nam thanh nữ tú, những cô bé cậu bé nhún nhẩy theo từng điệu nhạc, tự hào hô tên tổ mình, phường mình mỗi khi qua chốn đông người. Có những mô hình chỉ do một nhóm hộ gia đình góp tiền làm, nhưng hoành tráng không kém gì mô hình do người dân cả tổ đóng góp.
Có dịp chuyện trò với những người khởi phát mô hình đèn Trung thu khổng lồ cho trẻ, mới thấy niềm tự hào ấy càng nhân lên gấp bội. Xuất phát từ tình yêu với con trẻ và được nâng cánh bởi sự vào cuộc của chính quyền địa phương, của tỉnh, lễ hội dần nâng cấp thành lễ hội cấp thành phố, cấp tỉnh và giờ là cấp quốc gia. Tuyên Quang – từ một tỉnh du lịch chưa được nhiều người biết đến, giờ đã trở thành từ khoá hấp dẫn với đông đảo du khách thập phương. Khách sạn, nhà nghỉ cháy phòng, lượng khách đổ ra đường nườm nượp ngày cuối tuần… là đủ thấy sức hút của Lễ hội này với khách thập phương như thế nào.
Mấy hôm nay, mạng xã hội xôn xao trước một status của một người chưa từng đến Tuyên Quang, nhận xét đại ý rằng, những người ở “luỹ tre làng chúng nghĩ làm thế là kinh lắm, dị hợm”… mà không hề tìm hiểu, nguồn gốc lễ hội ở đâu, do ai xây dựng và phục vụ nhu cầu của ai. Và chỉ sau chừng 30 phút lên bài, người viết bài này đã phải hạ bài trong im lặng, khi vấp phải sự phản đối dữ dội từ chính những người đang từng ngày xây dựng, vun đắp lên nó.
Một lễ hội sẽ không thể nào sống khoẻ, duy trì liên tục hàng năm và ngày càng phát triển, nếu không xuất phát, xây dựng và nhận được sự ủng hộ từ chính Nhân dân. Lễ hội Thành Tuyên, sau hơn 20 năm, đã thực sự chứng minh điều đó!
Theo TQĐT