Mùa mới ở bản Bung

Thứ tư, ngày 22/11/2023 - 19:41
Đã xem: 552 views

Bút ký dự thi của Lê Thu

- Anh ơi, mai cho em một chuyến nhé? - Tôi gọi cho anh Pảo, chủ tàu du lịch trên hồ thủy điện Tuyên Quang, để nhóm bạn đi tham quan vách hẻm núi Đổ(1).

- Ma... i... à... ừ... - Tôi chỉ nghe được vài tiếng lõm bõm rồi mất hẳn. Đến gần trưa thì thấy anh gọi lại giọng đầy khoái chí.

- Vừa ở dưới địa phủ lên.

- Địa phủ là sao anh? - Tôi ngơ ngác hỏi lại.

- Vào hang xem vàng - Anh cười hề hề - Này, chú mày

xem đi.

- Sáng mai bạn em đi hẻm núi Đổ, anh chuẩn bị tàu nhé! - Tôi vội vàng nói.

- Ừ - Anh tắt máy. Một lát sau, tôi nhận được hàng chục tấm ảnh trong chiếc điện thoại. “Tối thế” tôi lẩm bẩm, rồi lần lượt xem từng ảnh một. Khi xem xong tấm ảnh cuối cùng, một cảm giác vừa ngạc nhiên, vừa thích thú như cơn gió chiều hè ập vào soi cát. “Hay quá” tôi thốt lên, rồi gọi lại cho anh để hỏi thêm về chỗ đó. Lúc ấy, anh Pảo mới chậm rãi kể cho tôi nghe về một bản nhỏ, có vài chục nóc nhà, chỉ có đồng bào Tày, Dao, Mông sinh sống trong một thung lũng hẹp, vẫn còn nguyên sơ, nằm ngay giữa núi rừng đại ngàn. Ở nơi đó, có những cây gỗ to đến cả ngàn năm tuổi và có cả những hang động, suối ngầm bí hiểm. Nghe anh kể xong, tôi thấy mình giống như hồi còn nhỏ, được cha đưa ra thăm cảng biển và nhìn thấy chiếc tàu khổng lồ với hai màu xanh - trắng đang ăn hàng.

- Dẫn em đến đó nhé - Tôi vội dặn, nhưng quên không hẹn là lúc nào thì đến.

Bẵng đi độ nửa năm, vào dịp rằm Trung thu, mấy anh chị bạn cùng hội văn nghệ ở thành phố cảng rủ nhau lên Tuyên Quang xem lễ hội. Chả là, chúng tôi từng ở với nhau cả nửa tháng trong một Trại sáng tác văn học ở Hải Phòng. Khi biết các bạn muốn đi khám phá núi rừng, sông nước. Tôi đưa cho các bạn xem những hình ảnh rừng cây, hang động. Mọi người thích lắm và bắt tôi phải đưa đến tận nơi. Thấy vậy tôi liền gọi ngay cho anh Ma Doãn Pảo.

- Sáng mai anh đưa em vào rừng, xem hang nhé? - Tôi nói.

- Ừ, đang ở nhà mà - Anh trả lời.  

Ngồi hàn huyên với nhau ở Nhà hàng Thành Tín, ngay trên bờ sông Lô. Bên kia sông là Thiền viện Trúc Lâm Chính Pháp Tuyên Quang. Trên đài sen, Phật Thích Ca Mâu Ni khoác áo cà sa tỏa ra ánh sáng vàng ấm áp. Tay phải Phật cầm cành hoa sen như nhắc nhở, chở che cho mọi dân lành.

Tối, trên Quảng trường trung tâm ngập những ánh đèn màu. Từng đoàn người, dạo theo con phố lớn cùng những linh vật rồng, phượng... với đủ mọi sắc màu lung linh, sống động. Ngỡ ngàng khi nhìn thấy con tàu HQ hùng dũng, của những người lính biển đang phăm phăm xé nước, Lưu Ly thích quá reo lên “hoành tráng quá”. Mải mê theo anh em Dế mèn, Dế trũi trôi theo dòng người, qua những con phố lấp lánh của ngàn những sắc màu vui nhộn. Trọn một đêm, chúng tôi được trở về với tuổi thơ, được hòa vui trong niềm hân hoan, tươi trẻ và phấn khích.

Mơ màng ngủ, khi xe đến cuối xã Thanh Tương, của huyện Na Hang thì tôi tỉnh giấc. Trước mặt là con dốc đứng, bên này là vách núi đá, dưới kia là khe vực sâu. Có tiếng reo khe khẽ “ôi, thích quá”. Khi lên hết đỉnh dốc và dừng lại trước cửa chốt bảo vệ rừng. Hiện ra trước mắt chúng tôi là một thung lũng dài, bốn bề chỉ có rừng cây xanh rì. Ở trên cao, cả bầu trời cũng là một màu xanh thẳm, chỉ có những dải mây trắng xếp thành từng lớp đang vẩn vơ, tha thẩn. Cảm giác ấy, giống như ta vừa rơi vào trong lòng của miệng núi lửa khổng lồ, đã ngủ yên từ hàng triệu năm trước.

Nằm dưới chân rặng núi đá vôi cao ngất, giữa cánh rừng nguyên sinh rộng lớn, ngôi làng nhỏ thấp thoáng ẩn, hiện trong màu xanh của núi rừng bao la. Những mái nhà sàn lợp cọ của người Tày, người Dao nằm giữa vườn ngô, vườn sắn. Trông xa như bông hoa Mạy Píp đỏ tươi, lẫn trong màu lá của đám cây rừng dưới chân dãy núi.

- Bản Bung đây rồi!(2) - Tôi reo lên. Mấy chị em tíu tít chuẩn bị máy quay, máy chụp, như sợ bị mất đi khoảnh khắc này. Thấy vậy, tôi cười bảo:

- Lo gì, còn cả ngày mai cơ mà.

Anh Pảo ra đón rồi dẫn chúng tôi đến nhà của Triệu Thế Hải, Bí thư Chi bộ thôn. Thấy chúng tôi, Hải mừng rỡ chào hỏi “người dưới biển, đi lên rừng chắc mệt lắm” rồi cậu đưa chúng tôi lên nhà. Trong lúc trò chuyện, tôi gõ nhẹ vào cây cột nhà và hỏi:

- Nhà làm lâu chưa?

- Bố làm thôi, cũng sắp bằng tuổi em đấy - Hải trả lời vẻ chân thật.

“Thoáng mát nhỉ”, tôi thầm nghĩ rồi nhìn khắp xung quanh. Căn nhà gỗ rộng ba gian, hai chái vừa được những người thợ mộc đục, mài, gọt, đẽo những phần việc cuối cùng. Mái lá dày, với những tàu cọ nhỏ xếp thành những hàng, những lớp, nhưng vẫn cố bồng lên như bộ tóc rễ tre. Những hàng cột vừa được bóc đi lớp thời gian già nua, khoe ra những đường vân trẻ trung săn chắc. Những xà dọc, xà ngang nhẵn nhụi, nằm dài thượt nghỉ ngơi trên mái. Những đoạn thẳng, khúc cong nhỏ to, ngắn dài kín đáo ôm chặt lấy nhau... tất cả đều được khéo léo gối đặt, neo buộc với nhau. Cả ngôi nhà như được khoác lên mình tấm áo mới trẻ trung, vững chãi. Mấy chị em đi quanh một vòng rồi luôn miệng xuýt xoa “nhà sàn thích quá!”.

- Ở ngoài xã, nhà thế này cũng ít dần - Hải nói chậm - Phần vì họ thích ở nhà xây, phần vì không có gỗ để làm, chỉ còn lại những nhà cũ thôi.

- Này, cấm chỉ nhà xây đấy! - Anh Viết Rừng vội nói.

- Trên rừng mà thiếu gỗ? tôi hỏi giọng nghi ngờ. Hải cười to trả lời:

- Nhiều lắm, nhưng gỗ rừng, không lấy được - Rồi Hải quay sang anh Viết Rừng: Cũng khó cấm anh ớ.

Rồi, Hải và anh Pảo sắp lại dụng cụ đi hang và giục chúng tôi chuẩn bị những vật dụng cá nhân để đi vào hang động. Anh Pảo cẩn thận dặn chúng tôi:

- Hang tối lắm, phải bám sát nhau đi!

Theo nhau trên lối mòn nhỏ xíu, khấp khểnh lên, xuống qua những mỏm đá. Hai bên là cành lá rậm rạp um tùm, ẩm ướt. Chốc chốc, lại có vài con côn trùng, chắc thấy người lạ, nó vội lao đến để thám hiểm cơ thể chúng tôi. Giờ mới thấy giá trị của những bộ quần áo, giày mũ được chuẩn bị từ nhà thật quý giá. Mấy chị em gái cứ luôn tay xua đuổi những con ruồi nhỏ, tôi đùa “không phải chỉ con người mới thích khám phá đâu nhé”. Nghe thấy vậy, Hải quay lại nói “đừng đập, không là họ hàng nó đến đông lắm đấy”.

Dừng lại trước miệng hang, mà chỉ vừa một người chui lọt, Hải nói “Đây là hang Bó Kim”.  Tôi liền hỏi “Bó Kim là gì vậy?”.

- Trong tiếng Tày, Bó Kim là Mỏ Vàng - Hải từ tốn giải thích và chậm rãi kể: Người già bảo, xưa kia ở khu rừng này có rất nhiều vàng. Ở đây, có một ông Thần giữ của, ông lấy hang này để cất giữ vàng bạc, xong ông lấp kín cửa hang lại không có ai biết. Tình cờ, một lần đi săn thú, có một người thợ săn trong bản bắn bị thương một con Don(3) rất to, con vật bị thương chạy về phía hang này. Người thợ săn cùng con chó lần theo vết máu của nó, khi gặp cái lỗ này thì mất dấu”  Hải nói và chỉ vào cửa hang “thấy con chó sủa to, rồi cào cào vào đây, ông bèn đào cái lỗ này to ra và chui vào trong thì phát hiện ra hang này. Sau đó, người thợ săn về kể lại cho dân bản biết, rồi dẫn họ vào xem hang vàng. Từ đó họ gọi hang là Bó Kim”.

Lần lượt, chúng tôi khom người, bò qua cái cửa hang bé tẹo ấy. Vào bên trong, nhìn qua ánh đèn pin trên đầu - như của người thợ mỏ - tôi thấy có rất nhiều thạch nhũ, với những hình thù lạ mắt. Dù đã nghe chuyện, nhưng chúng tôi vẫn bất ngờ. Khi ánh đèn chiếu vào trần hang, vách hang bỗng hiện ra những đám hạt nhỏ màu vàng, khi bắt gặp ánh sáng, chúng phát ra những tia vàng óng ánh, như muôn vàn ngôi sao đang lấp lánh trên bầu trời đêm tối. Những hạt vàng, như được họa sĩ thiên nhiên ngẫu hứng vung ra từ cây bút vẽ, tô điểm cho bức họa ẩn trong màn đen sâu thẳm.

Hải rủ tôi tụt sâu xuống dưới đáy hang, chật vật lắm tôi mới chui qua được một cái lỗ chỉ vừa thân người. Từ dưới sâu kia, vọng lên những âm thanh ầm ì, lạnh lẽo.

- Phải ba dây song(4) nữa mới xuống đến nơi - Hải chỉ xuống dưới.

- Vậy là sao? - tôi thắc mắc.

- Nối ba dây, mỗi dây dài hơn hai mươi mét thì đến đáy - cậu ta nói.

Ôi chao, tôi hoảng sợ. Chiều sâu ấy như đứng trên mái tòa nhà cao đến hai chục tầng.

- Dưới đấy là suối ngầm, nước rất lạnh, chảy quanh năm - Hải chỉ xuống dưới, tôi chỉ thấy một màu đen kịt. Ngồi bệt xuống tảng đá và chỉ dám ngó qua cạnh mép đá, tôi bảo Hải “cho anh lên thôi!”.

Khi nghe tôi kể lại chiều sâu của hang nước, mấy chị em tỏ vẻ sợ sệt rồi đòi ra ngoài cửa hang. Ra đến ngoài, cái lạnh và nỗi sợ cũng đã vợi đi vài phần.

Rồi chúng tôi tiếp tục đi đến hang Ké Hỉnh, cách đó chừng một cây số. Đường đến hang cũng lởm chởm những khối đá lớn. Từng người, cẩn thận bám theo những mỏm đá trơn trượt để leo lên cửa hang. Thật may, đây là hang lộ thiên, xung quanh có nhiều cây xanh bám vào vách đá. Từ ngoài nhìn vào, hang giống như đầu của người đàn ông đang cười sảng khoái, nước từ trong miệng ào ạt chảy ra, nom như bộ râu trắng bạc của cụ già quắc thước.  

Trong lòng hang rộng rãi và có rất nhiều Dơi, chúng cứ điềm nhiên treo mình lủng lẳng trên trần và vách hang, như thể chỉ có chúng là chủ nhân ở chốn này. Chúng tôi lần đến mép dòng suối ngầm, không biết lòng núi bí ẩn này đã cất giữ nguồn nước này tự bao giờ, nhưng khi chảy ra đến đây, chúng trở nên trong suốt và mát lạnh. Những nhũ đá với hình thù mềm mại và lạ mắt. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy một sườn đá thoai thoải, trải dài từ trên trần xuống dưới nền hang, trông giống hệt như những thửa ruộng bậc thang ở ngoài cảnh thực.

Thật lạ lùng!

Hình như, tự nhiên đã ngầm chỉ dạy con người, để con người biết cách sinh tồn, đồng hành với mẹ thiên nhiên đầy yêu thương, nhưng cũng đầy khắc nghiệt.

Trên đường về, anh Pảo kể cho chúng tôi nghe về sự tích của hang nước: “Xưa, ở Bản Bung có một người tên Hỉnh, do mồ côi, ông chỉ sống một mình ở hang đá trên nương. Ông Hỉnh nghèo nhưng tốt bụng, nếu bẫy được con thú to, ông lại mang xuống bản cho dân làng. Ngày ấy, Bản Bung chỉ nhờ nước mưa mới có để uống và cấy hái. Vào mùa hạn, họ phải đi rất xa mới lấy được nước về dùng. Có một ngày trời khô lắm, đến nỗi đám cỏ nương khắc tự cháy. Khát khô cả miệng mà không có nước để uống, ông bèn vào rừng tìm nước. Tìm mãi, ông nhìn thấy trong một hốc đá có giọt nước rỉ ra. Ông Hỉnh vội lấy tay bới đá, bới mãi đến mức mười đầu ngón tay bật cả máu”.

- Khổ thân ông - Giọng Lưu Ly thương tình - Có thấy nước không anh - Cô hỏi dồn. Anh Pảo cười, tiếp tục:

“Bỗng, một dòng nước mát lạnh phun ra, chảy tràn khắp nơi ông ngồi. Mừng vì thấy nhiều nước, nhưng lại sợ vì không biết nước có uống được không. Ông đánh liều nếm thử, thấy ngon, liền uống một hơi no bụng rồi chạy về báo tin cho mọi người ở bản. Dân bản nửa tin, nửa ngờ, nhưng khi nhìn thấy dòng nước phun ra từ cửa hang, ai cũng reo mừng, vui sướng. Từ đó Bản Bung có đủ nước để cấy cày, dân làng đã được no ấm. Dòng nước cứ chảy mãi, miệng hang cũng rộng thêm. Và người dân gọi mỏ nước và hang đá ấy là Ké Hỉnh”.

- May quá - Lưu Ly cười vui vẻ.

Tôi đã nhìn thấy dòng nước lạnh, trong vắt chảy xuống khe suối làm mát những tảng đá to, cả những rễ cây rừng bên bờ suối cũng bị lạnh co cóng. Nước chảy xuống ruộng đồng Thanh Tương, thấm vào từng cọng rễ, nuôi bao thửa mạ non, cánh đồng lúa già. Cho nương ngô, bãi sắn cứ mãi tươi màu no ấm.

Trong khi vợ chồng cậu trưởng thôn tất bật lo bữa tối, chúng tôi tự chọn cho mình một chỗ ngủ trong ngôi nhà rộng. Mấy anh em đàn ông thích ở phía đầu nhà, nơi treo bộ đồ nghề đi săn của người già để lại, còn mấy chị em gái lại chọn ở phía cuối nhà, gần bếp lửa. Chỉ một chốc, trời chiều ở miền sơn cước vội vã sập về. Bên ngoài, bóng tối phủ tràn xuống bản, mọi vật chỉ còn một màu đen thẫm. Anh Viết Rừng lên dây chiếc đồng hồ cơ - dù nó vẫn đều đặn chạy - và so với chiếc điện thoại. Bằng nhau. Anh quay sang bảo tôi “nơi này khác xa với miền sông nước quê anh. Dù chiều muộn, nhưng mặt trời vẫn đỏ lừ, mấp mé trên mặt biển rộng”.

  Bữa tối được dọn ra, chủ và khách cùng ngồi trên nhà sàn gỗ. Mâm cơm là chiếc nia tròn. Chiếc bát to, cái chén nhỏ được làm bằng những ống tre, ống vầu. Tôi mở gói lá màu xanh, bên trong là những hạt xôi nếp nương có mấy màu vàng tím, đỏ, đen. Và, ngay cả chiếc ghế nhỏ tôi ngồi, cũng làm bằng khúc tre mai bóng mịn hơi người. Hải chỉ vào mâm rồi nói:

- Rau thì hái trên rừng, cá thì lấy dưới suối, còn gà thì nó tự đẻ tự lớn thôi.

Mấy món ăn là những thứ rau rừng mà lần đầu tôi mới biết, ấy là rau giảo cổ lam, bò khai xào và rau hôi rán trứng. Thoạt đầu tôi hơi nhăn mặt khi tên gọi, nhưng khi đã ăn rồi mới thấy vị ngọt dịu dàng, chút chát nhè nhẹ và thoảng hơi nồng của khói, pha lẫn mùi hương sâu lắng của núi rừng. 

Chúng tôi ngồi với nhau thật lâu quanh bên bếp lửa. Nhấp một ngụm rượu ngô, Hải giãi bày tâm sự: “Mấy năm trước, bản này nghèo lắm. Không điện sáng,  điện thoại, đường ô tô.

Chỉ có đường mòn, dốc cao. Nắng thì đi được xe máy, mưa thì đi bộ”. Qua ánh lửa, tôi thấy trên khuôn mặt của Hải hiện lên vẻ ưu tư.

- Ở đây có điện, đường, trường lớp là nhanh đấy - Anh Viết Rừng động viên.

- Mấy tháng trước, huyện với xã họp dân, nói về Nghị quyết giúp bà con làm du lịch cộng đồng, ai cũng mừng - Hải nói đầy hi vọng.

Thấy chúng tôi nói chuyện rôm rả về công việc mới, ở miền rừng núi. Cụ bà, mẹ của Hải chợt lên tiếng:

- Ấy dà, như ngày xưa tìm thấy hang Ké Hỉnh ấy nỏ - Cụ nhìn chúng tôi cười, nụ cười của cụ mang sự trầm tĩnh của rừng già, có tiếng róc rách của con suối và cả tiếng reo vui của những đứa trẻ mà tôi gặp sáng nay. Hải nói với chúng tôi:

- Tám mươi hơn, nhưng Bà vẫn muốn học thêm tiếng Kinh. Thấy tôi tròn mắt, ngạc nhiên, Hải phân bua:

- Dạo này, hay có người Kinh lên chơi.

- Ồ, hẳn nào tôi thấy có mấy nhà sàn đang sửa lại - chị Hà Dương nói: - Chỗ  này mà làm du lịch homestay thì quá tuyệt rồi - giọng chị vẻ chắc chắn.

Nghe Hải nói với mẹ mấy câu tiếng Tày, tôi thấy bà cười và hát mấy câu Then cổ “Vượt lên nơi sơn lâm hái quế, lao xuống nơi rừng già hái hoa/Giêng, hai, ba mùa xuân, tiên hái hoa sơn lâm rừng già/Bốn, năm, sáu mùa hè, chúa hái hoa rừng già Mường tiên”. Khi bà vừa dứt lời, Hải thủng thẳng nói:

- Lúc còn sống, bố thì gảy Tính Tẩu, mẹ thì hát Then cho nghe, thích lắm.

Nghệ sĩ Đặng Kim kể “chiều về, mấy chị em sang nhà bên cạnh chơi, thấy em Bàn Văn Dừn đang sửa lại nhà sàn. Hỏi chuyện thì biết, Dừn đã đi đào than ở Quảng Ninh “mỗi tháng được gần hai mươi triệu”. Nhưng khi làm mới biết, ở đó có nhiều người bị sập lò nên sợ, bỏ về. Cậu nói “Trưởng thôn bảo, Nhà nước cho làm du lịch rồi, thế em mới về sửa nhà đấy”. Nhìn người phụ nữ khoảng năm mươi tuổi đang cào ngô ở sân, hỏi thì Dừn nói “mẹ đấy”. Thấy tôi chưa tin, cậu cười “Bố lấy mẹ lúc 16 tuổi mà”. Nhìn ba đứa con của Dừn đang chơi đùa cùng mấy đứa trẻ trong bản, tôi cho các cháu ít tiền để chúng ăn quà, nhưng nhất định không cháu nào chịu nhận”. Chúng hiền lành và đáng yêu quá - chị nói vẻ đầy yêu thương.

Nhà văn Dương Thị Nhụn góp lời: Chắc không lâu nữa, bản này sẽ trở thành địa điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn - Chị tỏ ra thích thú - Vì cảnh sắc thiên nhiên độc đáo, phong tục lâu đời của đồng bào Tày, Dao, Mông, quý nhất là người dân ở đây sống chân thật và tình cảm. Mình rất yêu mến nơi này! - Chị nói liền một hơi.

Sớm hôm sau, nhờ anh cán bộ kiểm lâm Lục Văn Thiên đưa chúng tôi đi xem quần thể nghiến ở trong rừng già. Cứ ngỡ là phải đi xa mới thấy, nhưng chúng lại nằm bên cạnh con đường đi lên bản. Quanh đây có rất nhiều cây gỗ lớn mà tôi chỉ được nghe, nhưng nay chúng ở ngay trước mặt. Những cây chò chỉ thẳng tắp, đầy kiêu hãnh lao vút lên bầu trời. Những đám nghiến to lớn, với lớp vỏ sần sùi, bong tróc, nhưng cành lá lại xanh tươi. Bộ rễ khổng lồ của nghiến ôm chặt vào những tảng đá lớn rồi cắm sâu xuống đất rừng. Năm người chúng tôi nắm tay nhau mới ôm hết gốc cây to lớn. Tôi ước lượng, từ dưới này, chắc phải hơn ba mươi người đứng chồng lên nhau, mới với lên đến ngọn.

Cảm giác ấy thật phiêu bồng!

Mọi người, ai cũng vui sướng vì lần đầu được ngắm nhìn, được thở và được thả mình hòa tan vào màu xanh của rừng, của núi. Mấy bạn trẻ tất bật lúc trong hang với máy quay, đèn chiếu. Giờ lại ôm chiếc máy ảnh to, ống kính dài đến hơn gang tay cứ kêu loạch xoạch. Chúng tôi rất ngỡ ngàng với khu rừng rộng lớn, vẫn còn nguyên vẹn, như tự nhiên đã từng sinh ra.

Trong tiếng hát của những chú chim đang tình tự, tiếng rì rào với gió của những cây chò chỉ và cả tiếng reo vui của dòng suối mát lành... tất cả cùng ập đến, đưa tôi trôi theo những khe núi, vụt qua những ngọn cây cao và lặng lẽ neo mình bên vách núi, để ngắm nhìn vợ chồng chim xây tổ.

Chà, thiên nhiên thật là kỳ diệu!

Chợt câu tục ngữ xưa vẳng lại đâu đây như nhắc nhở ai “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”.

Trước khi chia tay, anh Pảo dẫn chúng tôi vào xem Phja Phặt Phầy, nghĩa là Hòn đá bật lửa. Tò mò với tảng đá lạ, chúng tôi theo anh ra cánh đồng giữa bản. Nằm đơn độc ở giữa đám ruộng bằng phẳng, xuất hiện tảng đá hình tròn dựng đứng, bề rộng ước chừng hai gian nhà, chiều cao cũng bằng hai đầu người. Tôi đi một vòng quanh hòn đá rồi hỏi “Đá có lửa hả anh?”.

- Không, đây là câu chuyện về ông Tài Ngào - anh Pảo trả lời. Chỉ biết là: “Tài Ngào là người khổng lồ, ông có sức khỏe phi thường. Một lần đi qua đây, không biết ai đã làm ông bực tức nên ông giẫm mạnh chân một cái, đất đá chỗ bàn chân ông giẫm lún sâu xuống, thành một thung lũng bằng phẳng, vừa bằng một bung ruộng. Người dân thấy có chỗ đất bằng rủ nhau lên cấy lúa và sinh sống ở đây, vì thế dân làng đặt tên là Bản Bung”.

- Hay quá - chị Đặng Kim vẻ ngạc nhiên - nơi này, mỗi cánh rừng, con suối, hay hang động đều chứa đầy những huyền thoại nhỉ - chị cười thích thú.

Anh lại kể “Trong lúc bực tức, ông vừa đi vừa chạy, hòn đá thần dùng để đánh lửa, mà ông luôn mang theo bên mình bật lên, rồi văng ra xa, nằm lẫn vào đám ruộng um tùm. Từ đó Hòn đá bật lửa nằm giữa cánh đồng Bản Bung, được người dân gọi là Phja Phặt Phầy” rồi anh dừng lời.

Chúng tôi nắm tay nhau đi vòng quanh hòn đá to lớn và đẹp mắt, để lưu giữ lại những khoảnh khắc tuyệt vời này. “Em sẽ đưa nhiều bạn đến đây”. “Về tắm biển Hải Phòng nhớ gọi đấy”. “Giữ lấy hang động, cây rừng, đá núi để mọi người còn đến xem”. “Nới rộng thêm nhà để đón khách nhé!…”. Những lời hẹn hò, những lời trao gửi cứ tíu tít bên hòn đá bật lửa của ông thần núi rừng.

Có một mùa mới đang đến với Bản Bung. Mùa của những khát khao, ước vọng đang bừng lên trong những ngôi nhà sàn xưa cũ.

Trên trời cao, đám mây như bông sen khổng lồ che mát cả vùng trời rộng lớn. Những thửa ruộng bậc thang trong hang đá sâu, cứ chập chờn hiện lên trong mắt. Tôi mong ước, ngày mai thần Tài Ngào khổng lồ sẽ lại trở về, để đắp lại những sườn núi cao, những ngọn đồi thấp bị thần sét xé vạt. Để vá lại những khúc sông, con suối bị thủy thần quẫy đạp, sạt lở. Và ông sẽ biến mọi con người dù ở dưới biển xa, hay mãi trên non cao, thương yêu nhau như những đứa con của cha mẹ Tiên, Rồng.

Thành Tuyên, 21/10/2023

Theo: vannghetuyenquang.vn/