Tuyên Quang: Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch và các ngành dịch vụ

Chủ nhật, ngày 04/02/2024 - 20:56
Đã xem: 168 views

Mục tiêu năm 2024 tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đón trên 2,7 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt 3.600 tỷ đồng. Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng về du lịch theo hướng bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng như mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đa dạng hóa các loại hình du lịch phong phú, là điểm đến hấp dẫn với du khách.

 

Sản phẩm du lịch mới "Bơi mảng - Hát Then trên hồ Nà Nưa" (Tân Trào - Sơn Dương).
 

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 500 di tích lịch sử, văn hóa cùng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng; Tuyên Quang được đánh giá là “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống và là địa điểm tham quan hấp dẫn của du khách với nhiều loại hình du lịch hấp dẫn.  Xác định du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án du lịch thông minh; Đề án xây dựng sản phẩm đặc trưng đến năm 2025.

Xây dựng Đề án Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, huyện Sơn Dương thành trung tâm giáo dục lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch cả nước, cơ bản đáp ứng các tiêu chí Khu du lịch quốc gia; Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm là Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, đạt tiêu chuẩn quốc tế; Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu cấp quốc gia, tiến tới thương hiệu quốc tế; xây dựng, nâng cấp Lễ hội Thành Tuyên trở thành lễ hội có quy mô, thương hiệu quốc tế.
 


Hoa lê nở rộ vào tháng 3 hằng năm thu hút đông đảo du khách đến huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.
 

Để khai thác tiềm năng du lịch, bên cạnh hoạt động du lịch ngắm cảnh lòng hồ, tỉnh đã tập trung khai thác phát triển đa dạng nhiều loại hình du lịch mới độc đáo, hấp dẫn như: du lịch trải nghiệm tàu cao tốc, du lịch khám phá hang động, leo thác, đua thuyền kayak, lướt sup; du lịch thể thao mạo hiểm trên núi như bay dù lượn, đua xe đạp, ô tô, mô tô địa hình...

Đặc biệt, hoạt động du lịch gắn với bản sắc riêng có của đồng bào các dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến trải nghiệm như Lễ hội mùa hoa Lê, hoa Cải vàng, Lúa vàng ở xã Hồng Thái (Na Hang); ngắm ruộng bậc thang xã Xuân Lập (Lâm Bình)...

Tại thị trấn Na Hang, thị trấn Tân Yên - Hàm Yên và thành phố Tuyên Quang đã hình thành các tuyến phố đi bộ, chợ đêm để bày bán các đặc sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm lưu niệm, ẩm thực của các địa phương trong tỉnh. Để tạo sự kết nối giữa du lịch lịch sử và trải nghiệm văn hóa địa phương, huyện Sơn Dương đã cho ra mắt sản phẩm du lịch “Bơi mảng - Hát Then trên hồ Nà Nưa”, tổ chức các tour du lịch leo Núi Hồng rất độc đáo, hấp dẫn.

Phát huy lợi thế về nông nghiệp, các mô hình trải nghiệm trang trại nông nghiệp được xây dựng tại các huyện Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương, Na Hang, Lâm Bình. Tiêu biểu là mô hình trải nghiệm hái chè Shan Khau Mút xã Thổ Bình (Lâm Bình); tham quan trang trại tổng hợp trồng thanh long ruột đỏ tại thôn Thái An, xã Tân An (Chiêm Hóa); mô hình du lịch vườn cây ăn quả trên địa bàn huyện Hàm Yên; trải nghiệm vườn bưởi Phúc Ninh (Yên Sơn); trải nghiệm sản xuất chè tại làng nghề chè Vĩnh Tân, xã Tân Trào (Sơn Dương); xây dựng trang trại tổng hợp du lịch trải nghiệm nông nghiệp, sinh thái, thể thao thuộc thôn Trầm, xã Hợp Thành (Sơn Dương)...


Homestay Ba Ngân, xã Thượng Lâm - Lâm Bình.
 

Toàn tỉnh hiện có 434 cơ sở lưu trú, 4.341 phòng, 6.208 giường, 35 khách sạn từ 1 đến 4 sao; trên 250 nhà hàng ẩm thực, trong đó nhiều nhà hàng đã chú trọng tới việc xây dựng thương hiệu riêng, cải tạo nâng cấp bổ sung các dịch vụ bổ trợ, nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ chuyên nghiệp hơn; các món ăn truyền thống của địa phương đã được một số nhà hàng khai thác, giới thiệu với du khách và đã tạo được nét riêng có của Tuyên Quang; có 13 công ty, văn phòng và đại lý lữ hành đang hoạt động đưa, đón phục vụ khách du lịch đến Tuyên Quang; tích cực hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ sản xuất hoàn thiện tiêu chuẩn hóa sản phẩm đạt tiêu chuẩn của Chương trình OCOP, đến nay tỉnh có 248 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên phục vụ khách du lịch.

Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lần thứ II năm 2023 tại Tuyên Quang.


Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian tới tỉnh tiếp tục huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch. Phối hợp với các công ty du lịch, lữ hành lớn để khảo sát, tìm hiểu thị trường, kết nối các tour, tuyến quảng bá sản phẩm du lịch nổi bật của Tuyên Quang với các địa phương.

Với sự đầu tư đồng bộ, du lịch Tuyên Quang đang ngày càng khởi sắc, lượng du khách tăng từng năm. Năm 2023, tỉnh thu hút hơn 2,6 triệu lượt khách du lịch; doanh thu xã hội từ du lịch đạt 3.200 tỷ đồng. Mục tiêu năm 2024 tỉnh thu hút trên 2,7 triệu lượt khách du lịch, tổng thu từ khách du lịch đạt 3.600 tỷ đồng.

Các sản phẩm du lịch mới trên không chỉ đáp ứng nhu cầu du lịch của du khách cả nước mà còn tạo nên sức hấp dẫn để níu chân du khách. Điều đó cho thấy sự nỗ lực của tỉnh nhà trong việc không ngừng làm mới mình để du lịch ngày càng phát triển, đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương.

Theo ĐNTQ.