Từ trung tâm thành phố Tuyên Quang đi thị trấn Lăng Can (Lâm Bình), huyện xa nhất của tỉnh Tuyên Quang khoảng trên 120 km đường nhựa. Về mặt hành chính huyện Lâm Bình mới được thành lập được hơn 10 năm, tuy nhiên vùng đất này xa xưa có người Việt cổ sinh sống, văn Hóa bảo tồn lâu đời.
Lâm Bình phục dựng thành công Lễ hội Lồng tông cấp huyện.
Theo Viện Khảo cổ học Việt Nam di tích hang Phia Vài, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) là di chỉ khảo cổ nổi bật. Tại hang Phia Vài các nhà khảo cổ học đã tìm thấy hàng nghìn công cụ lao động, bếp lửa có niên đại cùng thời văn hóa Hòa Bình và bộ di cốt người nguyên thủy bán hóa thạch.
Những di cốt này nằm trong lớp trầm tích có độ kết vón rắn chắc cùng với các di tích động thực vật khác như ốc núi, cua đá, hạt trám là những di vật đặc trưng cho giai đoạn văn hóa có niên đại từ 20.000 đến 11.000 năm cách ngày nay. Qua những di tích đó, các nhà khảo cổ học khẳng định huyện Lâm Bình xa xưa có người Việt cổ sinh sống, văn hóa tín ngưỡng lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Hiện nay, huyện Lâm Bình có diện tích tự nhiên trên 900 km2, dân số trên 50 nghìn người sống ở 10 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 95% dân số toàn huyện, trong đó đông nhất là dân tộc Tày chiếm 62%, Dao trên 25%, Mông 6%. Văn hóa Tày - Dao - Mông có thể nói “bao trùm” đời sống văn hóa tinh thần của huyện, đặc biệt là văn hóa Tày.
Nói đến Lâm Bình là nói đến những làng bản của đồng bào Tày với những ngôi nhà sàn cột gỗ lợp lá cọ truyền thống nép mình dưới chân đồi, gần con suối có hướng nhìn ra cánh đồng bằng phẳng. Cây đàn Tính, chùm xóc là những dụng cụ âm nhạc biểu trưng của người Tày không thể thiếu trong các nghi lễ Then, lễ hội Lồng tông. Trang phục của người Tày thiên về màu đen, chàm, điểm xuyết các vòng bạc lớn ở cổ.
Lâm Bình có nghi lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn, xã Hồng Quang trở thành sản phẩm du lịch độc đáo.
Về điều kiện tự nhiên, Lâm Bình có trên 75% diện tích đất tự nhiên là rừng, trong đó có nhiều khu rừng tự nhiên có độ đa dạng sinh học cao, nơi có loài voọc mũi hếch, động vật đặc hữu nằm trong sách đỏ đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Địa hình nhiều núi cao, thung lũng sâu, cộng với 4.000 ha mặt hồ thủy điện Tuyên Quang đang cho Lâm Bình một lợi thế trong phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng làng bản, khai thác ở chiều sâu văn hóa.
Các cảnh đẹp như danh thắng thác Nặm Me, thác Khuổi Nhi, thác Khuổi Súng, Cọc Vài, Bản Cài, đèo Khau Lắc, cánh đồng núi đá Thượng Lâm, hang Khuổi Pín, Phia Vài, động Song Long, làng chài Phúc Yên đang thu hút du khách đến thưởng ngoạn. Di tích lịch sử, tâm linh của huyện có chùa Phúc Lâm, đền Pú Bảo, xưởng Quân khí H52 của Anh hùng Ngô Gia Khảm. Đặc biệt, duy nhất ở Việt Nam, tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình có tộc người Thủy sinh sống. Tộc người Thủy có tiếng nói, trang phục, văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán, nguồn gốc rất độc đáo.
Lâm Bình được đánh giá là vùng đất có phong cảnh đẹp nên thơ hữu tình, pha chút lãng mạn với nhiều câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, huyền thoại. Cư dân nông nghiệp đa phần đồng bào dân tộc thiểu số vẫn giữ được kiến trúc nhà ở, tiếng nói, trang phục, ẩm thực, phong tục, tập quán. Đây là tiềm năng lớn cho huyện Lâm Bình khai thác phát triển du lịch mang đậm đà phong vị địa phương. Các món ngon từ nền nông nghiệp vùng cao như: bánh trứng kiến, xôi ngũ sắc, thịt chua, trâu khô, rêu suối, bún cổ truyền, rượu ngô men lá, rau rừng, cá lòng hồ, thịt gà đen, lợn bí được đồng bào gìn giữ đã làm nức lòng du khách.
Người Mông ở Khuổi Củng, xã Xuân Lập khôi phục nét văn hóa nhà trình tường truyền thống.
Huyện Lâm Bình đã có mục tiêu, động lực cho việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn. Cụ thể huyện khôi phục lễ hội Lồng tông cấp huyện, duy trì phát triển lễ hội Lồng tông cấp xã. Huyện phục dựng lại nghi lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn, Cấp sắc của người Dao, nhà trình tường của người Mông, thành lập nhiều câu lạc bộ hát Then, hát Cọi, hát Páo dung, múa màng, thổi khèn, dân ca, dân vũ, làng dệt thổ cẩm, thêu thùa.
Quy hoạch phát triển các làng du lịch homestay như thôn Nà Tông (Thượng Lâm), Nặm Đíp (Lăng Can), Bản Bon (Phúc Yên), Khuổi Củng (Xuân Lập), Bản Biến (Phúc Sơn). Huyện tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao trên địa bàn nhằm đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá, đưa thương hiệu du lịch của huyện lên một tầm cao mới. Nhờ đó, năm 2023 du lịch của huyện thu hút trên 150 nghìn lượt khách, tăng 10% so với năm 2022; tổng doanh thu xã hội về du lịch đạt trên 150 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022.
Những kết quả ban đầu trong phát triển du lịch sinh thái kết hợp du lịch văn hóa, nông thôn đã góp phần thay đổi tư duy, đời sống của người dân địa phương. Chính quyền và người dân huyện Lâm Bình hôm nay đang nỗ lực tạo ra các giá trị mới trên nền tảng thế mạnh của mình, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lâm Bình lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, quyết tâm xây dựng Lâm Bình trở thành huyện du lịch vùng cao giàu bản sắc.
Theo TQĐT