Gìn giữ bản sắc văn hóa qua lễ hội đầu xuân

Thứ hai, ngày 26/02/2024 - 11:23
Đã xem: 460 views

Các hoạt động lễ hội đầu xuân được tổ chức không chỉ tạo không khí vui tươi, phấn khởi, khích lệ tinh thần hăng hái thi đua lao động sản xuất của Nhân dân mà còn là dịp để quảng bá bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Dịp đầu xuân năm nay, ở nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động lễ hội đầu xuân mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó phát huy và gìn giữ các giá trị văn hóa qua mỗi xuân mới.

Điểm nổi bật ở các lễ hội đầu xuân không chỉ bao gồm phần lễ mà còn được lồng ghép với các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm, công cụ lao động, sản xuất, trang phục, nghề thủ công truyền thống, các trò chơi dân gian đặc sắc của mỗi dân tộc. Từ đó làm cho du khách khi tham gia lễ hội được thưởng thức không gian văn hóa phong phú, hấp dẫn. Tại Lễ hội Lồng tông huyện Chiêm Hóa vừa diễn ra ngày 17-2, bên cạnh nghi lễ rước các mâm tồng đầy đủ các sản vật của địa phương còn có nghi lễ xuống đồng cày ruộng, phát lộc đầu xuân và tung còn. Các tiết mục văn nghệ trong Lễ hội cũng mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Tày.

Một tiết mục thổi khèn Mông tại Ngày hội văn hóa các dân tộc xã Bình An (Lâm Bình) năm 2024.

Có mặt tại Lễ hội Lồng tông, Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình, nhiều du khách cảm thấy thích thú khi được trải nghiệm nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày, Dao, Mông, Pà Thẻn. Tại Lễ hội, mỗi xã, thị trấn đều xây dựng một gian hàng bằng vật liệu thân thiện với môi trường để trưng bày trang phục dân tộc, công cụ sinh hoạt, lao động, sản phẩm thủ công, thổ cẩm, trang sức, nhạc cụ và các sản vật địa phương. Tham gia vào lễ hội, các xã đã tái hiện lại nghề thủ công và văn hóa ẩm thực truyền thống như: thị trấn Lăng Can, xã Khuôn Hà, Thượng Lâm trình diễn nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Tày; xã Hồng Quang tái hiện nghề dệt, thêu của dân tộc Pà Thẻn; xã Xuân Lập tái hiện nghề vẽ sáp ong trên thổ cẩm, thổi khèn lá, khèn Mông của người Mông; xã Bình An, Phúc Sơn tái hiện nghề nấu rượu ngô, rượu thóc men lá; xã Thổ Bình tái hiện nghề thêu, vẽ sáp ong của đồng bào Dao; xã Minh Quang, xã Phúc Sơn tái hiện nghề đan lát, làm đàn tính, thêu thổ cẩm của đồng bào dân tộc Tày. Đồng chí Lê Thế Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết: “Huyện xác định công tác quảng bá văn hóa là giải pháp quan trọng để thúc đẩy du lịch phát triển, do đó, trong mỗi dịp lễ hội đầu xuân, bên cạnh các nghi lễ, huyện cũng chú trọng tổ chức các hoạt động để quảng bá các giá trị văn hóa riêng có của mỗi dân tộc, từ đó tạo ra không gian đa dạng, nhiều bản sắc để du khách được trải nghiệm và ấn tượng với mảnh đất Lâm Bình”.

Quả còn khổng lồ được trưng bày tại Lễ hội Động Tiên và Chợ quê Hàm Yên năm 2024.

Lễ hội Động Tiên và Chợ quê Hàm Yên năm nay thu hút hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến tham gia. Ngoài các trò chơi dân gian đậm đà bản sắc dân tộc như bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt lợn, đi cầu thăng bằng…, du khách còn được tham dự Chợ quê - nơi trưng bày nhiều món ăn, sản vật nổi tiếng của 18 xã, thị trấn. Tại Lễ hội, huyện Hàm Yên còn tổ chức cuộc thi Quả còn đẹp nhất, mâm lễ đẹp nhất. Tại các gian trưng bày sản vật nổi tiếng, các địa phương còn trưng bày trang phục, nhạc cụ dân tộc. Chị Trần Thị Khuyến, du khách đến từ Thái Nguyên phấn khởi khi được tham gia Lễ hội Động Tiên và Chợ quê Hàm Yên. Chị cho biết, đây là lần đầu tiên chị được tham dự Lễ hội này. Ở mỗi gian hàng trưng bày sản vật đặc sản của địa phương chị đều hiểu thêm về văn hóa ẩm thực, phương thức canh tác, sản xuất của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Hàm Yên.

Du khách tham quan gian hàng trưng bày sản vật địa phương của xã Thành Long tại Lễ hội Động Tiên và Chợ quê Hàm Yên năm 2024.

Không chỉ được tổ chức ở quy mô cấp huyện, lễ hội đầu xuân còn được tổ chức ở cấp xã từ nguồn xã hội hóa với nhiều hoạt động hết sức phong phú, giàu bản sắc. Đầu xuân năm nay, xã Bình An (Lâm Bình) đã tổ chức Lễ hội Lồng tông, Ngày hội văn hóa các dân tộc xã Bình An với nhiều hoạt động như Hội chợ quê, trưng bày không gian ẩm thực các dân tộc, trình diễn trang phục dân tộc; văn hóa, văn nghệ, tổ chức các trò chơi dân gian như tung còn, đánh yến, đánh pam, kéo co, chọi dê, bắt cá, thổi khèn Mông… Đồng chí Ma Công Thành, Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết, Lễ hội Lồng tông, Ngày hội văn hóa các dân tộc xã Bình An được tổ chức thường niên từ nhiều năm nay mỗi dịp đầu xuân, thu hút đông đảo du khách đến trải nghiệm. Đây cũng là cơ hội để xã quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc đến với du khách gần xa.

Các hoạt động lễ hội đầu xuân đã tạo ra trải nghiệm thú vị đối với mỗi du khách khi tham gia, đồng thời trở thành không gian, nơi lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc xứ Tuyên mỗi dịp xuân về.

Theo TQĐT