Phát triển du lịch từ làng nghề truyền thống

Thứ tư, ngày 24/04/2024 - 07:43
Đã xem: 2,332 views

Các làng nghề chè ở Tân Trào, Trung Yên, Hợp Thành, Phúc Ứng ở Sơn Dương, nghề bánh gai ở Chiêm Hóa, thêu, dệt thổ cẩm ở Lâm Bình... ngoài việc mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân, nơi đây còn là điểm đến hấp dẫn, độc đáo, thu hút đông đảo du khách đến trải nghiệm.

Lợi ích kép

Được công nhận làng nghề chè từ năm 2014, làng nghề chè Vĩnh Tân, xã Tân Trào (Sơn Dương) có trên 85% số hộ sống nhờ nghề sản xuất chè với tổng diện tích gần 200 ha chè. Ông Phạm Ngọc Thảnh, Trưởng thôn Vĩnh Tân cho biết, có thời điểm tưởng như nghề làm chè bị mai một. May mắn tỉnh, huyện có chính sách gìn giữ, phát triển, làng chè Vĩnh Tân được hồi sinh. Những năm gần đây, xã Tân Trào đã kết hợp du lịch lịch sử với du lịch trải nghiệm tại làng nghề. Ngoài sản xuất chè người dân Vĩnh Tân trồng chè tập trung thành khu, đồi chè được cắt tỉa tạo hình bắt mắt, chè được chăm sóc theo quy trình sạch. Đến với làng nghề ngoài tham quan những đồi chè, du khách còn được trải nghiệm hái chè, sao chè, thưởng thức những ly chè nóng hổi... hoàn toàn miễn phí. “Những khách du lịch được trải nghiệm làm chè và mua, tặng những sản phẩm chè, đây là kênh giới thiệu sản phẩm tốt. Người dân làng nghề hân hoan vì được hưởng lợi ích kép từ phát triển làng nghề gắn với du lịch” - Ông Thảnh bảo.

Người dân làng chè Vĩnh Tân, xã Tân Trào (Sơn Dương) thu hái chè.

Chị Nguyễn Thu Hà, quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ, chị lựa chọn du lịch tại Tân Trào vì vừa muốn gia đình được ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc và muốn trải nghiệm không khí thiên nhiên trong lành, những đồi chè xanh ngút tầm mắt của làng chè Vĩnh Tân sau thời gian làm việc, học tập căng thẳng. Chị và gia đình rất vui được đi hái chè, tham gia các quy trình sao, đóng gói chè và chụp ảnh trên những đồi chè ruộng bậc thang. Chị mua chè đặc sản sạch về sử dụng và tặng cho bạn bè, người thân. Chị thấy đây là một tua du lịch trải nghiệm thú vị cho ngày nghỉ cuối tuần cùng gia đình, bạn bè với chi phí hợp lý.

Huyện Lâm Bình không chỉ có vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, nơi đây còn lưu giữ những nét văn hóa, trang phục truyền thống của 13 dân tộc anh em. Để phát triển các sản phẩm du lịch, huyện quan tâm phục dựng và phát triển nghề truyền thống như nghề dệt thổ cẩm. Đây là một nghề thủ công có từ rất lâu, không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân mà hiện nay sản phẩm dệt thổ cẩm của huyện đã được du khách đón nhận tích cực.

Chị Nguyễn Thị Tiếp, thành viên Hợp tác xã (HTX) Thổ cẩm Lâm Bình cho biết, nghề dệt được gia đình lưu truyền từ nhiều đời nay, những năm trước, gia đình chỉ dệt các sản phẩm như chăn, váy, áo để mặc nhưng giờ nhu cầu về những sản phẩm thổ cẩm phục vụ khách du lịch ngày càng cao. Do vậy, các hộ còn giữ nghề dệt đã tập hợp thành lập HTX thổ cẩm Lâm Bình. Hiện HTX được các cơ sở lưu trú, homestay, cửa hàng đặt hàng sản phẩm thổ cẩm, trong đó chủ yếu là các sản phẩm khăn, vỏ gối, vỏ chăn thổ cẩm... Tùy từng sản phẩm người làm nghề dệt thu lãi từ 200 nghìn đồng - 1,5 triệu đồng/sản phẩm. Bình quân mỗi tháng, chị Tiếp có thể làm ra 15 - 20 sản phẩm, từ đó gia đình có thêm thu nhập.

Cơ chế, chính sách kịp thời

Hiện tỉnh có 8 làng nghề được công nhận, trong đó tất cả là làng nghề chè của huyện Sơn Dương. Để phát triển làng nghề, nghề truyền thống, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách để hỗ trợ, phát triển nông nghiệp, làng nghề như: Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết về phát triển cây, con đặc sản... Đồng thời, tỉnh cũng dành nguồn lực để đầu tư phát triển các làng nghề truyền thống như: Chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật; hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm...

Sản phẩm thổ cẩm thôn Thắng Bình, xã Hùng Đức (Hàm Yên).

Nhờ có cơ chế, chính sách kịp thời của tỉnh mà một số nghề, làng có nghề đang được phục dựng, thẩm định như: nghề bánh gai, thị trấn Vĩnh Lộc, nghề đan Cót, xã Vinh Quang, Trung Hòa (Chiêm Hóa); nghề dệt Thổ cẩm ở xã Thượng Lâm, Khuôn Hà, Bình An, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình); nghề vẽ sáp ong, thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang); nghề chế biến mắm cá ruộng, xã Trung Hà, Hòa Phú, Kim Bình (Chiêm Hóa)...

Đặc biệt, hàng năm, tỉnh Tuyên Quang còn tổ chức chương trình Trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch, làng nghề. Chương trình là cơ hội để doanh nghiệp quảng bá sâu rộng các sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống tiêu biểu của các địa phương trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu và bảo tồn giá trị làng nghề truyền thống.

Đồng chí Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh cho biết, việc trưng bày sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống tiêu biểu đúng dịp lễ hội sẽ là cơ hội quảng bá sản phẩm được rất nhiều khách du lịch biết đến. Thời gian tới, trung tâm tăng cường giới thiệu sản phẩm tại các điểm hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh; xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm, trưng bày tại các khu, điểm du lịch đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch.

Để làng nghề, nghề truyền thống phát triển bền vững gắn với du lịch, tỉnh Tuyên Quang cần có đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch, hỗ trợ các nghệ nhân gắn bó với nghề và đẩy mạnh hoạt động truyền dạy nghề; các địa phương xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nghề truyền thống; liên kết phát triển du lịch, kết nối tour, tuyến đến các làng nghề, điểm sản xuất nghề truyền thống...

Theo TQĐT