Lâm Bình phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế cho người dân

Thứ sáu, ngày 07/04/2023 - 15:19
Đã xem: 1,951 views

Nhằm xây dựng những sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn, lôi cuốn du khách, đặc biệt là khách quốc tế, những năm qua huyện Lâm Bình tập trung xây dựng nhiều mô hình homestay đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, góp phần nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy du lịch phát triển.

Là một trong những địa điểm đầu tiên trên địa bàn huyện Lâm Bình làm du lịch cộng đồng, xã Thượng Lâm đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá. Tại đây, nhiều hình thức du lịch trải nghiệm đã phát huy hiệu quả, ngày càng thu hút khách du lịch và đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Xuất phát điểm chỉ một vài hộ gia đình, đến nay, xã Thượng Lâm đã có 20 hộ làm dịch vụ homestay đủ tiêu chuẩn đón khách với năng lực phục vụ 500 khách/ngày đêm. Trong những ngày đầu năm 2023, xã đón khoảng 20 nghìn lượt khách du lịch.

Homestay Tài Ngào, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình

Anh Hoàng Văn Minh, chủ homestay Tài Ngào chia sẻ: “Sau đại dịch Covid - 19, du lịch đã dần ổn định trở lại, trước đây được đi tham quan một số mô hình tại địa phương khác, tôi tìm hiểu được cách làm hay như tổ chức ẩm thực kèm với các hoạt động văn nghệ để du khách có thể trải nghiệm, tham quan. Từ đầu năm đến nay gia đình tôi đón khoảng hơn 1.000 lượt khách du lịch”.

Đến với huyện Lâm Bình, du khách sẽ được tham gia các hoạt động, như: lễ hội Lồng Tông, Lễ nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, Lễ cấp sắc của dân tộc Dao và tham gia các trò chơi dân gian như: Bắt cá bằng tay, đẩy gậy, đánh pam, đánh yến, kéo co, nhảy sạp, đốt lửa trại, giao lưu văn nghệ với bà con người dân bản địa... Đến với các Làng Văn hóa du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện du khách có thể nghỉ ngơi trong những ngôi nhà sàn của người Tày, tìm hiểu phong tục tập quán, sinh hoạt cùng người dân... thưởng thức những món ăn độc đáo mang đậm truyền thống của dân tộc Tày được chế biến từ nông sản thu hái trên rừng, dưới suối như măng chua, măng đắng, tôm sông lòng hồ, nộm hoa chuối rừng, lợn rừng quay, gà đồi, xôi ngũ sắc, rượu men lá,...

Anh Chẩu Thanh Ngà chuẩn bị các món ăn truyền thống của Lâm Bình phục vụ du khách

Bên cạnh trải nghiệm ẩm thực, du khách có thể cùng nấu ăn, gặt lúa, đánh bắt cá, trồng rau, ca hát cùng người dân hay đạp xe quanh làng ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ của núi rừng... Ngoài ra, khi du khách đến với huyện Lâm Bình còn có thể ghé thăm một số danh lam thắng cảnh, hang động đẹp, huyền bí như: Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình, thác Khuổi Nhi, Khuổi Súng, Hang Khuổi Pín, danh thắng Cọc Vài Phạ,… chiêm ngưỡng vẻ đẹp của 99 ngọn núi Phượng hoàng trập trùng kỳ vĩ.

Trải nghiệm cưỡi ngựa ngắm bản làng tại Lâm Bình

Thời gian vừa qua, huyện Lâm Bình đã làm phong phú thêm hoạt động du lịch cộng đồng bằng cách kết nối xây dựng các tour du lịch đến các xã trong huyện như: Lăng Can, Thượng Lâm, Khuôn Hà…. Bên cạnh đó, huyện cũng thường xuyên tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các sự kiện du lịch của huyện; xây dựng các điểm check in mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện như: điểm check in săn mây đèo Khau Lắc, con đường tình trên sóng lúa, cọn nước Lâm Bình,… từ các hoạt động trên đã thu hút du khách, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Điểm check in Con đường tình trên sóng lúa

Anh Trần Hải, đến từ Thành phố Hà Nội chia sẻ: “Khi đến du lịch Lâm Bình, nơi nghỉ đầu tiên của tôi là Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đíp, tôi thật sự thích thú và ấn tượng bởi những ngôi nhà sàn của dân tộc Tày, những món ăn ở đây cũng rất ngon, mang đậm sắc màu văn hóa vùng cao, đặc biệt là những tiết mục văn nghệ tại homestay, nhất định tôi sẽ quay trở lại nơi đây trong lần du lịch tiếp theo”…

Để thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển bền vững, huyện Lâm Bình đã xác định loại hình du lịch khám phá, du lịch cộng đồng là hướng phát triển trọng tâm; tiếp tục thực hiện công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch; quan tâm bảo vệ môi trường và tôn tạo tài nguyên du lịch; bảo tồn hệ thống di tích lịch sử, phát triển văn hóa kết hợp với khôi phục làng nghề truyền thống, góp phần làm phong phú thêm nguồn tài nguyên du lịch. Đồng thời, tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch, tiềm năng, sản phẩm, tài nguyên du lịch để thu hút du khách đến với địa phương, góp phần tạo sinh kế ổn định cho người dân nơi đây./.

Phạm Hương