70 năm trước, xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa vinh dự được Trung ương Đảng chọn là nơi tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Đây là Đại hội đầu tiên được tổ chức trong nước và cũng là Đại hội duy nhất cho đến nay được tổ chức tại một địa phương ngoài Thủ đô Hà Nội. Người dân Kim Bình tự hào được đón Bác Hồ và những đảng viên ưu tú trên khắp mọi miền đất nước, cả ở nước ngoài về Đại hội.
Ngày Bác về chuẩn bị Đại hội II
Người già ở đây kể lại: Xưa nơi này là thâm sơn cùng cốc. Pù Choong còn đỡ - vì là núi không cao lắm. Khặm Khuật là chỗ núi nhô ra, muốn lên cao phải đi qua Khặm Khuật. Nhưng Pù Mi thì rậm rạp, toàn những cây cổ thụ nhiều người ôm không xuể. “Mi” là gấu, Pù Mi là núi có nhiều gấu, nên ít người lại qua. Có lẽ chính vì thế mà Trung ương Đảng, Bác Hồ ngày ấy đã chọn nơi này là an toàn khu để tổ chức Đại hội II.
Để chuẩn bị cho Đại hội, từ những năm 1947 - 1950, Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận đã đến ở và làm việc tại xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa. Tại đây, Bác hoàn thiện Báo cáo Chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II; đồng chí Trường Chinh hoàn thiện văn bản Luận cương cách mạng Việt Nam; đồng chí Phạm Văn Đồng hoàn thiện báo cáo Mấy vấn đề cốt yếu của chính quyền dân chủ nhân dân Việt Nam; đồng chí Lê Văn Lương hoàn thiện báo cáo về Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam (dự thảo).
Hội trường nơi diễn ra Đại hội II của Đảng ở Kim Bình.
Tháng 2 năm 1951, Bác Hồ đến Kim Bình, cùng Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo các công tác chuẩn bị Đại hội II. Bác căn dặn phải chuẩn bị cơ sở vật chất bảo đảm chu đáo, an toàn, bí mật để “trên trời nhìn xuống không thấy gì, dưới đất nhìn vào bốn mặt cũng không thấy gì”.
Trong vòng 4 tháng, gần 30 ngôi nhà bằng gỗ, tre, nứa, lá đã được xây dựng xong, kiến trúc giản tiện và trang nhã. Khu đại biểu chính thức, khu vực Bộ Chính trị, khách quốc tế và khu hậu cần đều nằm kín đáo dưới tán cây mí, cây xẹt cổ thụ. Hội trường Đại hội nằm ở trung tâm, dài khoảng 30 mét, rộng 8 mét, cao 8 mét, hướng tây nam, vách thưng bằng phên nứa, bàn ghế bằng gỗ tạp xẻ, nền nhà đất nện. Bên trong có gác lửng cho đại biểu dự khuyết và phóng viên báo chí. Bàn ghế trong Hội trường xếp thành 6 dãy theo hình bán nguyệt, đại biểu ngồi theo đoàn. Bàn Chủ tịch đoàn kê sát phần khánh tiết, có đầy đủ bục phát biểu và bàn thư ký.
Thời gian ở Kim Bình, Bác Hồ làm việc ban ngày tại khu Đại hội, tối về nghỉ tại một gia đình ở thung lũng Khau Tao cách đó khoảng 1 km. Những lúc bận rộn, Bác nghỉ tại một căn lán nhỏ nơi làm việc. Bác thường mặc bộ áo chàm giống đồng bào địa phương, đồng cam cộng khổ với bà con, không quên thể dục rèn luyện sức khỏe hằng ngày.
Kim Bình thâm sơn cùng cốc, nhưng rất rộng lòng chở che, giữ gìn bí mật cho Đảng và Bác Hồ suốt thời gian chuẩn bị cho Đại hội.
Đại hội lịch sử
Sách “Di tích lịch sử - lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Tuyên Quang” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang phát hành năm 2012 ghi: “8 giờ sáng ngày 11 tháng 2 năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai mạc Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng tại hội trường”. Tham dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho 766.349 đảng viên đang sinh hoạt trong Đảng bộ toàn Đông Dương, với khẩu hiệu “Đoàn kết, nhất trí, giành độc lập cho Tổ quốc, dân chủ cho nhân dân và hòa bình cho thế giới”.
Địa điểm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2-1951) tại Kim Bình, Chiêm Hoá. Ảnh: Đức Anh
Đại hội đã nghiên cứu và thảo luận kỹ các báo cáo trình trước Đại hội: Báo cáo chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Luận cương cách mạng Việt Nam của đồng chí Trường Chinh, báo cáo về tổ chức và Điều lệ Đảng của đồng chí Lê Văn Lương, cùng nhiều báo cáo bổ sung về Mặt trận dân tộc thống nhất, chính quyền dân chủ, nhân dân, Quân đội nhân dân, kinh tế - tài chính và về văn hóa, văn nghệ...
Đại hội đã quyết nghị đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi mới là Đảng Lao động Việt Nam, thông qua Chính cương, Tuyên ngôn và Điều lệ mới của Đảng. Điều lệ mới của Đảng gồm có phần mục đích, tôn chỉ và 13 chương, 71 điều.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 19 Ủy viên chính thức và 10 Ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành đã cử ra Bộ Chính trị gồm 7 Ủy viên chính thức và một Ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng. Đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư.
Hình ảnh Bác Hồ, những lời căn dặn của Người tại Đại hội II Kim Bình đã được ghi trong nhật ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến: “Trong những hoàn cảnh như thế này mới thấy rõ sự tài tình của Hồ Chủ tịch về phương diện giáo dục cán bộ và động viên tinh thần quần chúng. Sức lôi kéo thật là huyền diệu. Tất cả không trừ một ai đều phấn khởi, sẵn sàng hy sinh tất cả cho một lý tưởng mà Hồ Chủ tịch đã nêu cao…”.
Ký ức về Bác Hồ những ngày tháng ấy vẫn được các thế hệ người dân Kim Bình lưu giữ như một niềm tự hào thiêng liêng để giữ gìn lòng thủy chung son sắt với Đảng, với Bác kính yêu; để thêm động lực phát triển. Thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt trên 36 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ trên 24% đầu nhiệm kỳ, nay còn 5,69%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 67%. Toàn xã có 9 mô hình trang trại tổng hợp và trên 30 mô hình trồng cây ăn quả, trồng rau, nuôi thủy sản cho thu nhập bình quân trên 100 triệu/mô hình/năm. Đại hội Đảng bộ xã mới đây đã nêu quyết tâm đưa mức thu nhập bình quân lên 60 triệu đồng/người/năm, tăng giá trị sử dụng đất lên 120 triệu đồng/ha trở lên, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tập trung phát triển cây chuối tây, măng tre, cây chanh 4 mùa, trồng rau an toàn và các loại cây dược liệu; tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao...
Tự hào truyền thống cách mạng suốt 70 năm qua, cán bộ, đảng viên và nhân dân Kim Bình luôn son sắt niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Niềm tin ấy đã trở thành động lực để phát triển, để hôm nay Kim Bình cùng toàn tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, lập nhiều thành tích chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng, quyết tâm tạo nên diện mạo mới, sự phát triển mới trước thềm năm mới.
Theo TQĐT