Trang phục phụ nữ Cao Lan

Thứ tư, ngày 17/02/2021 - 10:59
Đã xem: 2,982 views

Ở Tuyên Quang, người Cao Lan sinh sống nhiều nhất ở hai huyện Sơn Dương và Yên Sơn. Trong quá trình giao thoa văn hóa người Cao Lan vẫn giữ được nét văn hóa bản sắc độc đáo riêng của dân tộc mình. Trong đó, phải kể đến trang phục truyền thống của phụ nữ Cao Lan luôn được các bà, các mẹ giữ gìn qua bao thế hệ.

Tiết mục múa cờ của người Cao Lan.

Áo Phụ nữ Cao Lan dài đến gối, có sự phối màu của thân áo, phía trên nâu thì phía dưới màu chàm thâm và ngược lại. Áo mở nẹp chéo phía trước ngực, cài khuy bên phải, xẻ tà hai bên từ dưới nách xuống khoảng 10cm, đến tận gấu áo. Điểm đáng lưu ý trong trang phục của họ là màu trắng của tấm vải may ở trong cổ áo và chiều dài của đường xẻ, mang tính chất trang trí phối màu hài hoà. Áo dài của nữ có ba cúc: một cái ở cổ và hai cái ở bên cạnh. Yếm là một mảnh vải màu trắng hoặc màu đỏ, hình vuông, mặc bên trong áo. Yếm được khoét cổ tròn, có dây, lúc mặc buộc vào sau gáy.

Váy chỉ lửng đến bắp chân, được ghép từ năm miếng vải. Cạp váy thường nhỏ hơn gấu váy, bên trong luồn chỉ màu để buộc. Điểm độc đáo, là những mảnh vải màu ghép với nhau ở cạp váy, và những tua chỉ màu tết lại khâu ở viền váy rất tinh tế và duyên dáng. Đi liền với váy là thắt lưng, được dệt rất cầu kỳ, đẹp mắt với nhiều hình hoa văn phối các màu xen kẽ.

Xà cạp màu trắng dài khoảng 50cm, hình tam giác, có khâu nẹp vải màu đen ở 3 góc, chỉ dùng vào mùa đông cho ấm. Khi lao động thì quấn xà cạp màu nâu để bảo vệ đôi chân.

Phụ nữ thường đeo nhẫn, vòng tay, trâm, xà tích, vòng cổ, hoa tai bằng bạc hoặc xương động vật. Các cô gái khi về nhà chồng được bố mẹ chồng tặng cho vòng cổ bằng bạc.

So với các dân tộc khác, trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Cao Lan mộc mạc, đơn giản, song cũng có rất nhiều nét đặc trưng riêng đó là sự kết hợp giữa hai màu chủ đạo đen, đỏ. Những nếp gấp của váy, dây thắt lưng tạo nên nét đẹp, duyên dáng của người phụ nữ Cao Lan.

                                                                                                                             Cảnh Trực
                                                                                                                 (Theo Địa chí Tuyên Quang)