Người Mông ở Tuyên Quang cư trú chủ yếu ở các xã vùng cao của các huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình, Hàm Yên, Sơn Dương. Các nhóm dân tộc Mông được phân biệt bởi cách phát âm khác nhau và các đặc điểm, màu sắc trên trang phục của phụ nữ với 3 nhóm chủ yếu là Mông Trắng, Mông Hoa, Mông Đen. Mặc dù có sự phân biệt thành các nhóm Mông khác nhau nhưng nhìn chung phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa của các nhóm cơ bản giống nhau, trong đó có phong tục đón Tết sớm
Người dân tộc Mông có cách tính lịch riêng nên ăn Tết truyền thống sớm hơn người Kinh và những dân tộc khác khoảng một tháng. Theo lịch riêng của người Mông mỗi tháng có 30 ngày. Không có tháng thiếu tháng đủ, tháng nhuận, mỗi năm có 12 tháng, cứ đủ 360 ngày là tròn một năm. Vì thế, theo cách tính này thì cứ khoảng cuối tháng 11 âm lịch, khi mùa màng đã kết thúc, mọi người có thời gian nghỉ ngơi, hội hè cũng là lúc người Mông bắt đầu ăn Tết.
Bánh dày là món ăn không thể thiếu trong mẫm cỗ cúng
tổ tiên của người dân tộc Mông
Một nghi lễ tín ngưỡng không thể thiếu trong dịp này là lễ cúng Tết mà quan trọng nhất là lễ cúng tổ tiên diễn ra vào ngày tất niên. Thông thường, gia chủ phải làm một chiếc bánh dày to để trong một chiếc mẹt đặt đưới đất trước nơi thờ cúng tổ tiên, đồng thời sắm một mâm cơm đặt bên cạnh. Ở nhiều nơi, mâm cơm nhất thiết phải có một liễn cơm ngô và một bát canh lớn với những miếng thịt luộc đã thái nhỏ. Xung quanh liễn cơm, người ta cắm ngửa những chiếc thìa ăn được làm bằng gỗ. Chủ nhà thắp hương, cắm một nén lên bánh dày, ba nén lên vách nhà hay bát hương rồi nâng chén rượu, thìa cơm bắt đầu bài khấn bày tỏ tấm lòng thành kính của gia chủ với tổ tiên. Sau lễ cúng tổ tiên, mọi thành viên mới chính thức bước vào cuộc vui mừng năm mới. Mọi đồ vật trong nhà đều được dán một mảnh giấy đỏ báo hiệu năm mới đã đến.
Theo tập quán, sau giao thừa, người đầu tiên mở cửa chính ra vào nhà phải là đàn ông, thường là chủ nhà hoặc con trai trưởng. Sáng mùng 1 Tết, chủ nhà mở cửa chính và gọi tên tất cả các con vật nuôi về nhà cầu nguyện để năm đó chăn nuôi thuận lợi, gia súc gia cầm sinh sôi nảy nở. Đặc biệt, người nấu món ăn của buổi sáng này cũng phải là đàn ông. Khi bày món ăn, mâm bưng lên người đàn ông đó gắp một miếng thịt đặt vào chân cột cái (cột có chân chôn xuống đất). Họ quan niệm người đàn ông là trụ cột trong gia đình, vì thế họ cầu khấn được vững như cái cột chính trong gia đình.
Người Mông có tập quán ăn Tết nhiều ngày và thường ăn uống luân phiên ở các gia đình. Đây là dịp để mọi người nghỉ ngơi và làm tròn bổn phận của mình đối với tổ tiên, dòng tộc, gia đình.
Theo TQĐT