Ngọt ngào hương vị chè Shan Thổ Bình

Thứ tư, ngày 31/03/2021 - 13:24
Đã xem: 2,326 views

Từ bao đời nay, cây chè Shan cứ sinh sôi và nối dài trên các đỉnh núi quanh năm sương mù che phủ thuộc xã Thổ Bình (Lâm Bình). Đến nay, xã Thổ Bình có 257 ha chè Shan cổ thụ , cây chè trải qua hàng trăm năm “tắm nắng ngâm sương” cho ra những búp chè trắng như tuyết với hương vị thơm ngon thượng hạng.

Đánh thức vùng chè cổ thụ

Chè Shan được trồng ở thôn Bản Phú và Bản Pước không biết từ bao giờ. Những người cao tuổi ở đây kể rằng từ khi còn bé cũng đã có rừng chè cổ thụ rồi. Ông Lý Tiến Minh năm nay đã 70 tuổi kể, ông được sinh ra trên núi Phia Chẩu, cây chè gắn bó cả tuổi thơ ông với những năm tháng theo cha mẹ đi hái chè về rồi sao chè, chè khô thành phẩm được gùi xuống núi đổi lấy gạo. Để mang chè xuống núi phải đi bộ hơn 3 tiếng đường rừng, dốc núi hiểm trở.

Chính vì cuộc sống khó khăn nên đến năm 1966, cả bản gần 10 nóc nhà được Nhà nước khuyến khích hạ sơn từ đỉnh núi Kéo Tấu, Kéo Ca, Phia Chẩu xuống các thôn trung tâm xã xây dựng cuộc sống mới. Ông Minh chia sẻ, hồi ấy, nhiều hộ vẫn lên thu hái chè về chế biến thành chè khô bán. Nhưng do quãng đường vận chuyển chè từ trên núi xuống quá lâu, chè hấp hơi về đến nhà bị ủng, khi chế biến thành chè khô pha nước uống không còn màu xanh nữa mà chuyển sang mầu vàng đục, vị chát. Chè Shan mất giá từ đó. Chè không có người mua, người dân cũng không mặn mà với cây chè Shan nữa, cây chè gần như bị lãng quên, cỏ mọc, dây leo um tùm.

Người dân xã Thổ Bình thu hái chè Shan trên núi Kéo Tấu.

Thế nhưng, người ta vẫn thấy đốm sáng lóe lên khi có một số hộ yêu cây chè Shan lặn lội lên núi cao làm lò chế biến chè. Không còn việc sao chè bằng chảo, vò chè bằng chân nữa mà đã có máy móc thay thế, chất lượng chè ngày một nâng lên. Nhận ra tiềm năng phát triển của chè Shan tại xã Thổ Bình, đến năm 2009, Thổ Bình đã triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ người dân trồng rừng phòng hộ của tỉnh, diện tích chè tăng dần từ 50 ha lên trên 240 ha, mong muốn đưa sản phẩm này thành hàng hóa được chính quyền và những người dân tâm huyết với cây chè hiện thực hóa.

Ngát hương chè Shan

Vùng chè Shan xã Thổ Bình được tỉnh quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa từ năm 2013 và được chứng nhận nhãn hiệu từ năm 2017. Chè cho thu hoạch rộ từ tháng 4, tháng 5 và cho thu kéo dài đến tháng 10. Anh La Tài Lanh, thôn Tân Lập, tổ phó Tổ hợp tác sản xuất chè Shan Thổ Bình cho biết, tổ có 8 thành viên với 25 ha chè Shan. Mỗi năm, thu nhập từ thu hái búp tươi của các thành viên cũng đạt từ 30 - 40 triệu đồng. Rót chén nước chè tươi nóng hổi mời khách, anh Lanh bảo, mẻ chè này mình mới sao chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán. Đây cũng là lứa chè xuân thơm ngon nhất năm được nhiều người chờ đợi.

Sản phẩm chè Khau Mút đạt tiêu chuẩn 3 sao. Ảnh: Cảnh Trực

Anh Lanh cho biết, những cây chè trăm tuổi mọc trên núi đá cao không cần chăm sóc, bón phân mà tự tích lũy tinh túy của đất trời. Suốt mùa đông giá lạnh chè không ra búp mà ủ sức để đến mùa xuân bật ra những búp non đầu tiên. Người dân thường chọn ngày có sương mù nhưng không mưa, sáng sớm lên núi hái những búp chè non đem sao theo bí quyết riêng sẽ cho ra những búp chè quăn như lưỡi câu giúp mang lại một thức uống sánh vàng như mật với mùi hương dịu ngọt. Cái hay của chè Shan là khi uống không bị “xoáy”, dù uống chén trà lúc mới tỉnh giấc hay uống khi trưa đói cồn cào. Bởi cái hương, cái vị của chè Shan dịu nhẹ, thơm nồng.

Theo anh Lanh, một năm Tổ hợp tác chỉ bán ra thị trường khoảng 8 tạ chè khô với giá 200.000 đồng/kg. Sản phẩm của Tổ hợp tác chè Shan Thổ Bình đang nhận được nhiều phản hồi tích cực nhờ bảo đảm an toàn thực phẩm do không sử dụng bất kỳ một loại phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật nào mà vẫn giữ được hương vị chè Shan đặc trưng.

Đồng chí Vi Văn Sự, Chủ tịch UBND xã Thổ Bình cho biết, tuyến đường gần 3,3 km, tổng kinh phí trên 9,4 tỷ đồng lên khu sản xuất chè Khau Mút được UBND huyện Lâm Bình đầu tư xây dựng. Thay vì đi bộ gần nửa ngày để lên đến vùng chè cổ thụ như trước kia thì giờ đây chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ đi xe máy là lên được vùng chè. Cùng với đó,  Hợp tác xã Đồng Tiến cũng đã liên kết với Hợp tác xã Sử Anh (TP Tuyên Quang) và Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Duy Phát (Yên Sơn) để nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường cho sản phẩm chè Shan Khau Mút Thổ Bình. Theo ông Sự, thời gian tới để nâng cao giá trị vùng chè Shan Thổ Bình, huyện đã có định hướng phát triển du lịch khám phá, du lịch trải nghiệm  tại vùng chè Shan cổ thụ này.

Cây chè Shan giờ đã trở thành nguồn sinh kế của bà con và là sản phẩm đặc trưng của xã Thổ Bình. Với sự quan tâm đầu tư đúng hướng và những định hướng lâu dài cho một vùng nguyên liệu sạch, tin rằng “thủ phủ” chè Shan Thổ Bình sẽ là một đặc sản đặc biệt, một địa điểm tham quan đối với mỗi du khách khi đến với huyện Lâm Bình.

 Theo TQĐT