Với tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, Tuyên Quang đã triển khai có hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại gắn với xây dựng thương hiệu và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Những sản phẩm nông nghiệp của Tuyên Quang không những đem lại hiệu quả về kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân mà còn góp phần quảng bá hình ảnh về văn hoá, du lịch, con người Tuyên Quang
Những năm vừa qua, loại hình du lịch nông nghiệp đã được hình thành và phát triển rộng rãi tại các huyện trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Bằng những phương thức canh tác độc đáo trong nông nghiệp của các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang như: Canh tác trên nương; canh tác trên các thửa ruộng bậc thang của đồng bào các dân tộc thiểu số tại các xã vùng cao của huyện Na Hang; trồng bông dệt vải; trồng ngô để nấu rượu ngô men lá tạo nên loại rượu đặc sản hay việc thu hoạch trà shan tuyết, cam sành, bưởi; dệt thổ cẩm; đan lát mây tre đan,... hiện đã và đang trở thành trào lưu thu hút du khách cùng tham gia.
Sản phẩm cam sành Hàm Yên - Tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp của tỉnh
Việc đẩy mạnh phát triển du lịch, trong đó có loại hình du lịch nông nghiệp đã hình thành nên các dịch vụ nhà nghỉ homestay của người nông dân tại nhiều vùng nông thôn trong tỉnh. Đây là một hình thức trải nghiệm thú vị đối với du khách khi được 3 cùng với người dân “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” cùng sinh hoạt, khám phá bản sắc văn hóa, cùng tham gia trải nghiệm canh tác và thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp với người dân địa phương. Loại hình du lịch này không những giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn góp phần nâng cao dân trí cho người dân nông thôn trong quá trình giao tiếp với khách du lịch.
Du lịch homestay phát triển tại huyện Lâm Bình
Mới đây, tại huyện Lâm Bình có hai điểm du lịch Homestay Nặm Đíp, xã Lăng Can và Homestay Nà Muông, xã Khuôn Hà được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao; Tổ hợp tác Homestay 99 ngọn núi tại xã Thượng Lâm đạt tiêu chuẩn 4 sao. Đây là một lợi thế với các hộ gia đình làm homestay, bởi sau khi được công nhận sản phẩm OCOP sẽ được ưu tiên lựa chọn tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại - du lịch, giới thiệu quảng bá tới du khách ở nhiều địa phương trong và ngoài nước.
Mặc dù hiện tại có rất nhiều tiềm năng thế mạnh, tuy nhiên loại hình du lịch nông nghiệp ở Tuyên Quang vẫn chưa phát huy hết hiệu quả của mình, phần lớn du khách đến với các bản làng mới chỉ được hướng dẫn tham gia các hoạt động tham quan, ngắm cảnh, chụp ảnh và nghỉ dưỡng mà chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế đi vào chiều sâu. Để khắc phục những hạn chế này, cần có sự chung tay một cách đồng bộ của các cấp, các ngành liên quan trong việc quy hoạch các sản phẩm nông nghiệp, khôi phục các lễ hội truyền thống, phát triển các làng nghề gắn với du lịch nông nghiệp, đào tạo kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ cho bà con nông dân…
Phạm Hương