Thổ cẩm là một trong những nét đẹp văn hóa của người Tày. Giống như điệu then, tiếng đàn tính, thổ cẩm đồng hành cùng người Tày theo suốt những năm tháng cuộc đời.
Khách hàng lựa chọn thổ cẩm tại Hội chợ Thương mại – Du lịch tỉnh Tuyên Quang.
Theo phong tục người Tày, em bé từ khi chào đời đã được ôm ấp trọn vẹn trong chiếc nôi, chiếc địu làm bằng thổ cẩm. Khi lớn lên được người lớn dệt, khâu cho chiếc mũ đội đầu, bộ quần áo thổ cẩm. Mỗi cô dâu khi về nhà chồng đều tự tay dệt cho bố chồng, mẹ chồng bộ áo, bộ váy để thể hiện tấm lòng của người con dâu mới. Cùng với đó là chăn, đệm, gối, màn cho phòng tân hôn cũng do người con gái tự tay dệt, hàm ý rằng bắt đầu từ đây đôi bàn tay kia sẽ chăm lo, vun vén chu đáo cho hạnh phúc gia đình.
Xuất phát từ ý nghĩa đó mà nghề thêu dệt thổ cẩm đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống, được người Tày lưu truyền từ đời này sang đời khác. Trang phục của họ cũng được lưu giữ theo truyền thống, không thay đổi theo thời gian, không phân biệt sang, hèn.
Trước đây ở xã Lăng Can của huyện Lâm Bình còn có cả cánh đồng bông rộng lớn. Ngày ấy thổ cẩm Lăng Can nức tiếng khắp vùng bởi không chỉ đẹp với hoa văn tinh xảo mà nó còn được dệt nên từ đôi bàn tay chuyên cần, khéo léo của những người phụ nữ dân tộc Tày chịu thương, chịu khó. Để dệt được một sản phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn và mất một thời gian dài, có khi vài tháng mới hoàn thành.
Hoa văn trên thổ cẩm người Tày rất độc đáo và yêu cầu kỹ thuật cao.
Nguyên liệu chính để dệt vải là bông. Bông sau khi thu hoạch về được nhặt sạch phơi khô. Múi bông sau khi tách, dùng cung bật bông rồi mới ép thành con để kéo sợi. Kéo sợi phải thật đều tay để sợi chỉ đều, đẹp, mịn. Sau công đoạn kéo sợi, người ta nấu cháo bằng gạo dẻo, khi nước cháo sền sệt thì cho sợi vào hồ để sợi được mềm mại. Các thiếu nữ Tày 13-14 tuổi đã bắt đầu có mảnh nương riêng của mình để trồng bông, được mẹ dạy se sợi, dệt vải, may quần áo, chăn màn dùng hằng ngày và chuẩn bị để đem theo lúc về nhà chồng.
Ngày nay, sự phát triển kinh tế thị trường nghề trồng bông, dệt vải của đồng bào người Tày đã bị mai một, người dân chủ yếu mua vải dệt công nghiệp về dùng. Tuy vậy, ở nhiều địa phương bằng sự nỗ lực của chính quyền và người dân trong công tác bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc đã khôi phục được nghề dệt thổ cẩm. Đặc biệt là các xã vùng cao như Lăng Can, Khuôn Hà (Lâm Bình) vẫn còn duy trì được nhiều hộ trong thôn giữ nghề dệt thổ cẩm đồng thời gắn nghề dệt thổ cẩm với phát triển du lịch tạo nên điểm độc đáo thu hút khách du lịch tham quan trải nghiệm.
Theo TQĐT