Khi nhắc đến Lâm Bình du khách sẽ nhớ đến những tiếng âm vang của núi rừng qua tiếng đàn tính mộc mạc, giản dị đi vào lòng người của nhạc sỹ Ngô Hồng Quang trong album “Tình Đàn” hay những ngọn núi, những thác nước, những hang động và đặc biệt là những món ăn truyền thống dân dã của bà con nơi đây đã tạo nên một chút nhớ nhung về nơi phố núi xinh đẹp của tỉnh Tuyên Quang.
Qua văn hóa ẩm thực, nhu cầu của người dân được đáp ứng tốt hơn, đồng thời cũng tạo điều kiện để tinh hoa văn hóa ẩm thực vùng miền được quảng bá rộng rãi. Trong xu thế liên kết phát triển như hiện nay, đa dạng văn hóa ẩm thực còn tạo điều kiện để thúc đẩy và khai thác tiềm năng du lịch cũng như các thế mạnh khác của mỗi địa phương. Nhằm giữ gìn, bảo tổn và phát huy văn hoá ẩm thực của mình, đồng thời tuyên truyền quảng bá giá trị văn hóa ẩm thực xứ Tuyên đến với du khách trong và ngoài nước, những món ăn của huyện Lâm Bình cũng níu chân du khách khi đến phố núi dù chỉ một lần.
Bánh trứng kiến
Nguyên liệu chính để làm nên món bánh này là trứng kiến - một loại kiến đen rừng rất mẩy, béo và có hàm lượng đạm cao. Đồng bào vùng cao lấy trứng kiến về rửa sạch rồi xào chung với một ít thịt lợn băm. Phi thêm chút mỡ và nêm ít muối là có nhân bánh chuẩn hương vị của núi rừng vùng cao
Điều khiến bánh trứng kiến thơm ngon, nhớ lâu còn bởi bánh được làm từ bột gạo nếp vùng cao dẻo, thơm. Lá để làm bánh là loại lá vả (lá bánh tẻ, không quá non và không quá già). Nếu lá non quá khi hấp lên bánh chín thì lá nát không cầm được bánh, còn nếu lá già quá thì bánh ăn dai không còn vị thơm của lá. Nhân trứng kiến được kẹp vào giữa lớp bột trước khi hấp lên. Khi bánh chín đem ra để nguội rồi dùng kéo cắt ra từng miếng vuông vừa phải.
Tuy nhiên, vào tháng 4 và tháng 5 hằng năm thì trứng kiến mới nở rộ. Đó cũng là lúc người dân vùng cao lên rừng tìm trứng kiến để làm ra món bánh dân dã và mang phong vị riêng này. Và nếu ai muốn thưởng thức loại bánh đặc sản này thì đây cũng là quãng thời gian lý tưởng để có những cặp bánh trứng kiến thơm ngon, bổ dưỡng không phải nơi nào cũng có.
Vừa qua, bánh trứng kiến Lâm Bình vinh dự được Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam công nhận top 100 món ngon của cả nước. Hiện nay, bánh trứng kiến Lâm Bình đang được nhiều nhà hàng, khách sạn và giới sành ăn tìm hiểu để bổ sung vào thực đơn.
Rau bò khai
Rau bò khai là sản phẩm OCOP của đồng bào vùng cao huyện Lâm Bình đã được gắn sao. Trước đây bò khai mọc tự nhiên trong rừng, nay được bà con trồng tại vườn nhà để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bò khai có thể chế biến thành nhiều món nhưng phổ biến hơn cả là bò khai xào trứng, bò khai xào thịt bò.
Với bò khai xào trứng, chỉ cần rửa sạch rau, sau đó cho một ít mỡ hoặc dầu ăn và phi thêm tỏi để xào rau. Đồng bào vùng cao sử dụng mỡ lợn, nhất là lợn đen để xào nên rau rất thơm và ngọt. Khi rau vừa chín tới thì đập trứng xuống (trứng nhiều hay ít tùy vào lượng rau) rồi đảo đều tay. Cuối cùng là nêm gia vị là có ngay món ăn lạ miệng.
Để thay đổi khẩu vị, nhiều gia đình còn xào rau bò khai với thịt bò. Món ngon này cũng chế biến đơn giản. Rau và thịt bò đều xào riêng. Khi hai món đã chín thì cho lên chảo, đảo đều tay để cho vị của rau và thịt bò quyện vào nhau. Món ngon này khiến bao thực khách mê mẩn bởi vị ngọt lưu lại nơi đầu lưỡi.
Hiện huyện Lâm Bình đã quy hoạch phát triển vùng trồng rau bò khai, xây dựng chiến lược quảng bá để sản phẩm OCOP độc đáo này nức tiếng gần xa.
Giảo cổ lam
Hiện nay, huyện Lâm Bình có trên 5 ha trồng cây giảo cổ lam với sản lượng 8 tấn/năm. Giảo cổ lam có tác dụng chống ung thư, ngăn ngừa lão hóa, giúp ăn ngủ tốt, cải thiện hệ tiêu hóa, hạ mỡ máu, tăng khả năng làm việc, giảm căng thẳng mệt mỏi.
Bà con huyện Lâm Bình đã chế biến rất nhiều món ngon từ giảo cổ lam như: giảo cổ lam xào, giảo cổ lam rán trứng, giảo cổ lam nấu canh…
Rượu thóc Lâm Bình
Khi đến với Lâm Bình, du khách được sống trong gian mát mẻ, trong lành, thưởng thức các món ăn đậm đà hương vị truyền thống và uống cùng chút rượu đặc sản có vị thơm, cay, nồng mới cảm nhận được hết sự thú vị nơi đây.
Rượu thóc là sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc vùng cao huyện Lâm Bình, được trưng cất theo phương pháp cổ truyền. Rượu làm từ nguyên liệu chính là thóc, men nấu rượu được làm bằng các loại thảo dược quý hiếm có trong rừng tại địa phương kết hợp với nguồn nước tinh khiết, được chưng cất theo quy trình thủ công truyền thống tạo nên hương thơm, vị ngọt đậm đà, khi thưởng thức sẽ cảm nhận được từ hương thơm của thóc cho đến vị ngọt cay, chất men say cùng cảm giác hứng thú, hấp dẫn khi uống.
Ngoài những món ăn trên, bà con nơi đây còn rất nhiều món ăn truyền thống độc đáo khác. Mời bạn hãy đến và cảm nhận theo những gì phố núi đang hiện hữu và thưởng thức những món ăn dù đơn giản nhưng cũng đủ lưu giữ trong tim du khách mỗi lần đến thăm./.
Phạm Hương