Bún khô ngũ sắc Đà Vị

Thứ tư, ngày 25/08/2021 - 16:39
Đã xem: 5,327 views

Từ lâu người tiêu dùng đã biết đến bún khô Đà Vị, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang là loại bún không màu, có hương thơm, vị ngọt đặc trưng được làm từ gạo Bao Thai. Song thời gian gần đây trên thị trường có thêm một loại bún khô cũng do bà con xã Đà Vị làm ra đang được người tiêu dùng ưa chuộng, đó là bún khô ngũ sắc có màu xanh, màu đỏ, màu tím, màu vàng và màu trắng.

Hàng năm, cứ vào các dịp lễ, tết đồng bào dân tộc Tày ở Tuyên Quang lại tổ chức các lễ hội tạ ơn, lễ hội cầu mùa để ước mong cho sự mở đầu năm mới được may mắn, thuận lợi: mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi. Các sản phẩm nông nghiệp khi ấy, với sự chế biến tài tình của các bà, các mẹ, các chị đã trở thành những sản phẩm ý nghĩa để dâng lên thần linh, tiên tổ. Cùng với xôi ngũ sắc, thời gian gần đây, bà con xã Đà Vị, huyện Na Hang đã tạo ra sản phẩm bún khô ngũ sắc để làm phong phú hơn cho thực đơn ngày lễ, ngày tết của đồng bào vùng cao.

Người Tày quan niệm năm màu của món ăn là biểu tượng của ngũ hành: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Bún khô ngũ sắc của bà con xã Đà Vị có màu sắc đẹp, giàu tính thẩm mỹ nhưng điều đáng quý là để tạo màu cho sợi bún, người dân sử dụng màu hoàn toàn từ thiên nhiên, cây cỏ: Màu xanh được tạo từ lá chùm ngây. Màu đỏ và màu tím được tạo từ lá cây cơm đỏ, lá cây cơm tím rất sẵn có trong vườn nhà của đồng bào. Màu vàng được tạo từ màu của bột nghệ nếp và màu trắng được tạo nên từ gạo Bao thai nguyên chất. Tất cả những nguyên liệu đó đều được bà con sử dụng để tạo màu cho xôi ngũ sắc. Khi ăn cảm nhận rõ sự thanh mát từ lá cây rừng hòa quyện cùng hương thơm của gạo vùng cao khiến bún khô ngũ sắc của Đà Vị không lẫn bất cứ nơi đâu.

Bún ngũ sắc của người Tày còn đáng quý cả ở khâu chế biến. Gạo sau khi được sàng sẩy sẽ được ngâm với nước lá cây đun sôi để tạo màu trong khoảng thời gian 2 ngày để hạt gạo nở và lên men tự nhiên, có vị chua dịu nhẹ, sau đó sẽ nghiền thành bột mịn. Công đoạn mất nhiều thời gian nhất là vắt bún, người Tày ở Đà Vị vẫn vắt bún bằng phương pháp truyền thống. Dụng cụ vắt bún là một thân cây to, đục thành khuôn hình tròn, bên dưới là một tấm tôn mỏng có những lỗ tròn để tạo thành sợi. Để vắt bún phải có 2 người, đặt bột vào khuôn, hai người tác dụng lực vào thanh ngang ở hai đầu để ép sợi bún. Để sợi bún không bị dính và đều sợi, người dân ở đây thường vắt bún thả vào nồi nước sôi đun trên bếp lửa, khi đủ độ mịn, dẻo sẽ vớt ra để vào chậu nước lạnh rồi đem phơi nắng tự nhiên.

Không giống như bún khô thông thường sẽ nát ngay sau khi chín, bún khô ngũ sắc Đà Vị dù nấu đi, đun lại vẫn không hề nát sợi. Sợi bún tuy mềm nhưng vẫn dai. Tuy nhiên, để bún mềm và ngon, cần ngâm nước trước khi nấu từ 2 - 4 tiếng. Sau đó luộc trong nước sôi từ 15 - 20 phút, vớt bún ra, xả lại bằng nước lạnh rồi để ráo. Đối với một số đầu bếp ở các nhà hàng lớn, sau khi luộc xong, xả qua nước lạnh họ cuốn màng bọc thực phẩm và để trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 15 - 20 phút để sợi bún mềm hơn, dẻo hơn và dễ dàng cắt khúc theo yêu cầu của từng món ăn. Khi ăn, bún ngon ngọt tự nhiên chứ không chua như bún tươi ngoài chợ.

Hiện nay, để mở rộng thương hiệu bún khô ngũ sắc Đà Vị, huyện Na Hang đang đẩy mạnh phát triển các xưởng làm bún khô, xây dựng bao bì nhãn mác và liên kết chuỗi giá trị tạo đầu ra cho sản phẩm. Sản phẩm bún khô ngũ sắc của Đà Vị đã và đang được các nhà phân phối tại Miền Trung và Miền Nam quan tâm liên hệ để đưa vào hệ thống các siêu thị trong cả nước./.

Phạm Hương