Ai đã ngược dòng Gâm lên Pác Tạ, để được thả mình vào nơi giao duyên đất trời, ai đã ghé vào Thượng Lâm để được đắm mình trong Thung lũng huyền thoại, và ai đã ngược lên hẻm Núi Đổ của Bắc Mê (Hà Giang) để được chiêm ngưỡng lạch sông sâu dưới chân vách đá…
Từ bến thủy Thác Mơ của huyện Na Hang, thuyền ngược dòng tìm đến thượng nguồn của sông Gâm đang chảy vào hồ rộng. Qua tấm gỗ mỏng manh kia là sang đến đất của Bắc Mê rồi, dù cái ranh giới ấy chỉ là quy ước của những con người, nhưng nước vẫn là nước thôi, núi vẫn là núi ấy. Không biết sang bên này nước còn nhớ những nơi mình đã từng vui đùa, hay hờn giận ở những nơi mà nước đã từng trôi qua không nhỉ. Qua bến Thượng Tân là đến hẻm Núi Đổ, cái hẻm núi đá cao ngất, được mẹ thiên nhiên dùng lưỡi dao khổng lồ, bén ngọt, chẻ đôi quả núi này ra để dòng nước được tự do trôi chảy và sinh sôi ra những miền đất mới. Con thuyền nhỏ chậm chạp đi vào hẻm núi, đến chỗ này bỗng nhiên co hẹp lại, hai bên bờ là vách đá xám trắng, cao vút lên mãi trên đỉnh núi xanh rì, những cây xanh bám vào vách đá nghiêng mình ra, tò mò nhìn con người bé nhỏ. Càng tiến sâu vào hẻm núi, thấy con thuyền như chiếc lá mỏng manh đi vào chiếc kẹp đá khổng lồ, vừa lạ lẫm vừa thích thú. Những cái gai từ đâu đó đang bò dần đến khắp cơ thể người. Chợt thấy, mọi vật quanh mình thật nhỏ bé khi đứng ở nơi này.
Con sông Gâm nhẹ nhàng và êm ả tại Bắc Mê Hà Giang
Dòng Gâm ầm ào từ thượng nguồn đổ về, chở theo dòng năng lượng căng đầy, khi gặp bến thủy Yên Phú giữa trung tâm của huyện lỵ Bắc Mê, cả dòng nước đang sầm sập chảy, bỗng khựng lại, rồi thả mình lẩn vào lòng hồ mênh mang, sâu thẳm. Ở trên kia là sông, còn dưới này đã thành hồ rồi sông nhé.
Lạc trôi trên dòng sông Gâm
Cứ mỗi năm vào mùa khô khát, bụng hồ lại phềnh lên no căng mặt nước, lòng hồ và dòng sông Gâm cùng dâng lên, tràn đến sát bờ cỏ. Cả sông và hồ đều nghe được tiếng reo vui của lũ trẻ đang giành nhau một quả bóng. Phía trên kia là cây cầu Đường Âm vắt ngang qua dòng Gâm, nối thị trấn Yên Phú với xã Đường Âm, từ đây xuôi về là đến xã Thượng Giáp của huyện Na Hang. Cứ theo con đường này là sẽ đến xã Hồng Thái, nơi những thửa ruộng bậc thang trải dài từ trên đỉnh núi xuống đến tận dưới thung lũng. Mùa này vườn lê ở Hồng Thái chắc hẳn đang đung đưa những quả to tròn. Cũng chỉ mới như vừa hôm qua, hoa lê vẫn còn xòe ra những cánh màu trắng ngà. Nhớ lắm những giọt sương mai còn vấn vương đọng lại trên những cánh hoa, ngọn lá.
Bạn đã sẵn sàng lên đường khám phá Bắc Mê Hà Giang chưa?
Trời chiều ở miền sơn cước, đám mây trên đỉnh núi xà dần xuống mặt sông, những cơn gió mát lịm từ phía dưới mặt hồ, xô đuổi đám mây sông tràn vào thị trấn. Chập tối, con phố nhỏ bên sông đã rực lên ánh đèn vàng. Hơi nước ùa vào làm cái nóng buổi chiều bị bay dạt, chạy sâu vào chân núi, đâu đây chỉ thấy còn chút hơi nóng rơi rớt lại trên nóc những ngọn đèn đường.
Trăng đêm trên rẻo cao phủ xuống khắp núi rừng màu bàng bạc, những tia sáng lóng lánh từ dưới mặt hồ hắt lên bờ nước, gió nhè nhẹ thổi làm đung đưa những cành lá bên hồ, như cô gái Dao đứng bên bờ suối đang soi mình làm duyên. Khi ánh trăng đã lên qua đỉnh núi, mọi âm thanh ở nơi này đều lặng tắt, chỉ còn tiếng dòng Gâm rì rầm, rủ nhau lặn xuống bụng hồ.
Khu di tích lịch sử Căng Bắc Mê là một địa điểm không thể bỏ qua khi đến Bắc Mê Hà Giang
Khi ánh ban mai bắt đầu rọi chiếu lên các ngọn núi cao, xé toang những đám mây trắng, rồi ngập tràn ra khắp những nóc nhà, bãi cỏ. Đám hơi sương phảng phất trên mặt hồ chợt bừng tỉnh giấc bởi những làn gió mát cuộn lấy đưa về đỉnh núi.
Giục giã nhau qua cây cầu Đường Âm nối liền hai bên bờ sông Gâm, anh Lưu Bá Cường làm việc tại Ủy ban huyện Bắc Mê đưa chúng tôi sang tham quan Khu Di tích lịch sử Căng Bắc Mê, nằm tại xã Yên Cường. Thì ra di tích này đã được người Pháp xây dựng từ trước năm 1938 của thế kỷ XX. Ở đây, người Pháp có thể kiểm soát toàn bộ tuyến giao thông nối liền ba tỉnh Hà Giang - Cao Bằng và Tuyên Quang. “Căng” trong tiếng Pháp là đồn binh hay trại lính, còn “Bắc Mê” tiếng địa phương là Pắc Mìa, nghĩa là cửa ngòi đổ vào sông - vừa bước đến cổng đồn, anh Cường vừa chỉ tay giảng giải. Vào bên trong, khoát một vòng tay rồi anh lại nói: “Xung quanh đây là hệ thống nhà giam, vọng gác, nhà thông tin. Năm 1939, khi phong trào cách mạng ở Việt Nam phát triển những bước tiến mới, thực dân Pháp đã biến nơi này thành địa điểm giam giữ cán bộ cách mạng, họ chuyển một số tù nhân chính trị từ Sơn La, Hỏa Lò, Phú Thọ… lên đây để giam giữ”. Nhìn theo tay anh chỉ, tôi thấy đồn lính chỉ còn đó những bức tường cổ kính và trơ trọi của trại lính năm xưa, tường thành đá rêu phong với những lỗ châu mai sứt sẹo, bốt gác kiên cố kia nay cũng bị sức nặng của thời gian đè lên thêm già cỗi. Chỉ có những đám cây tếch to lớn với tán lá xanh phủ kín lối vào, lớp da ngoài của cây cũng đã xù xì, meo mốc, nhưng những ngọn chồi non kia vẫn xanh lên một màu khát vọng.
Nhà thơ Tạ Bá Hương ở Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang đi đến đâu là hỏi thăm ngay những người già tại nơi đó, anh luôn tay ghi chép, kiếm tìm và gợi lại những ký ức của các già về phong tục xưa ở bản mình, nhất là những điệu Sình ca, Páo dung hay Cọi cổ mà chúng tôi cũng... chả hiểu gì. Sau khi thăm thú cảnh quan, tần ngần đứng trước nhà bia tưởng niệm, anh đọc cho chúng tôi nghe bài thơ của nhà cách mạng Xuân Thủy, viết trong thời gian bị giam ở đây:
Ai đưa ta đến Bắc Mê
Núi cao vòi vọi, nước khe rì rầm
Chân non cuồn cuộn sông Gầm
Sườn non, con hổ nó nằm tự nhiên
Cỏ tranh dày đặc bốn bên
Muỗi rừng, vắt đá lại thêm dĩn mòng
Đồn tây nghiêm ngặt canh phòng
Một khu biên giới bịt bùng vào ra
Ô hay! ta lại là ta
Đi lên, đi xuống vẫn là gặp nhau
Bản làng ở tận nơi đâu
Cho ta nhắn nhỏ vài câu tâm tình
Tôi cũng chợt nhớ đến một đoản khúc “Cảnh vật Bắc Mê” của người chiến sĩ cách mạng Trần Cung (Nguyễn Ngọc Cư) viết năm 1940 cũng từng bị giam giữ ở đây:
“Mây làm cho núi bạc đầu
Mưa làm cho suối kêu gào thâu canh
Mây mưa sao khéo đành hanh
Núi già - suối cũng bất bình nhiều khi
...Mây tan, mưa tạnh rồi đây
Hoẵng reo hổ múa mừng ngày tự do”
Dù đã bị thời gian che phủ, dù cũng phải gập ghềnh với những thăng trầm của lịch sử, nhưng cảnh trầm mặc, vẻ hoang sơ đang in đậm dấu thời gian của gần một thế kỷ, khiến nơi đây càng trở nên cuốn hút những ai ngược muốn về miền quá khứ. Đến đây, để đôi mắt được tận hưởng từng lớp trầm tích của lịch sử nơi này.
Trở ra Hà Giang, thành phố nhỏ với “Bên kia núi Cấm, bên này Mỏ Neo”. Lên giữa lưng chừng núi, ngắm nhìn thành phố xinh xắn hiện ra như bức tranh thiên nhiên khổng lồ, sống động. Giữa đại ngàn rừng núi, hiện ra một thung lũng rộng lớn, kia là con sông Lô thơ mộng chia đôi thành phố ra làm hai nửa. Dãy Núi Cấm trải dài từ phía Bắc xuôi về phía Nam để chắn giữ những cơn gió lạnh từ phương Bắc tràn về. Núi Mỏ Neo thơ mộng nằm bên hữu ngạn sông Lô, để vầng trăng gác lên vào những đêm làm ai thổn thức, đợi chờ.
Chiều trên đất Vị Xuyên, chúng tôi lặng lẽ bước qua vòm cổng uy nghiêm. Bên những con đường nhỏ ngang, dọc ở nơi đây, những ngôi mộ nghiêm ngắn, xếp thẳng hàng như những ngôi nhà trong khu đô thị mới. Đàn bồ câu đang tha thẩn nhặt những hạt gạo trắng, như hàng vạn những ngôi sao nhỏ vừa sa xuống nghĩa trang này.
Từng người, lần lượt thắp nén nhang thơm lên Tượng đài nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên và những ngôi mộ của những người con anh hùng nước Việt. Lặng im trước tượng đài Tổ quốc ghi công, chúng tôi như vẫn thấy những ánh mắt trìu mến của những người anh, người chú… đang sẻ chia, trao gửi.
Đã có cơn mưa nhỏ đột ngột dội xuống chỗ này, nhưng thật lạ, nước chỉ hắt vào phía trước ngực, làm đẫm thêm ngôi sao vàng trên màu áo đỏ tươi của những người lính già. Hình như đang có trận động đất xảy ở nơi này, những rung chấn làm cho những đôi vai kia rung rẩy, nhưng tâm chấn lại từ trên những trái tim lan xuống mặt đất. Và chúng tôi cũng không khóa nổi cái van nước trong đáy mắt của mình, nước cứ tràn ra, lênh láng...
Những nén nhang chầm chậm nhả lên trời mùi trầm hương thơm thảo. Thời gian vụt trôi nhanh như cơn mưa trái mùa. Những thân nhang bừng lên, nhả nốt chút khói hương dưới thân mình. Điếu thuốc lá cũng rực đỏ đến sợi cuối cùng, chỉ còn lại thân tàn tròn lặng đứng trên cán thuốc mà lửa khói vừa đi qua.
Chúng tôi cùng nhau chắp tay bái biệt những đôi mắt bình thản, trên những tấm bia trầm mặc để trở lại quê nhà. Tôi nhớ lại lúc đang đứng dưới gốc cây tếch già ở trong “Căng” Bắc Mê, cảnh vật ở nơi đó và chỗ này sao bình yên đến thế. Mới hay, cuộc sống yên bình này đã được dựng xây bằng bao xương máu, của những lớp cha anh đã quên thân cho Tổ quốc này.
Tạm biệt Vị Xuyên, tạm biệt Hà Giang yêu dấu, chúng tôi và những ai đã từng đến nơi đây sẽ giữ mãi trong mình những kỷ niệm thân thương này.
Tác giả: Lê Quốc Thu – BQL các khu du lịch tỉnh Tuyên Quang
Theo:baotainguyenmoitruong.vn