Bóng cờ năm ấy… Làng Dùm hôm nay

Thứ bảy, ngày 09/12/2017 - 14:12
Đã xem: 6,912 views

Sông Lô in bóng núi Dùm, mang bóng núi lịch sử đi xa hòa cùng biển lớn. Nếu như người dân Nghệ An tự hào về sông Lam, Núi Ngọc, người Huế với sông Hương, núi Ngự, Thanh Hóa lại nổi danh với sông Mã, núi Hàm Rồng… thì người Tuyên Quang luôn in sâu trong tim mình sông Lô, núi Dùm.

     Tôi lớn lên bên dòng Lô trong xanh đến nao lòng, thật tự hào và đầy ắp những kỷ niệm. Qua bao miền hoang sơ, kỳ vỹ, sông Lô về đây, hối hả, tuôn trào, quấn quýt đất quê hương, làm nên bao huyền tích, lịch sử. Thế hệ ông, cha chúng tôi từ sông Lô, núi Dùm ra đi đánh Pháp, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Thế hệ chúng tôi tiếp nối, lên đường đánh Mỹ, giải phóng miền Nam. Rồi cả quê hương chung tay bảo vệ và xây dựng mảnh đất giàu truyền thống. Sông Lô in bóng núi Dùm, mang bóng núi lịch sử đi xa hòa cùng biển lớn. Nếu như người dân Nghệ An tự hào về sông Lam, Núi Ngọc, người Huế với sông Hương, núi Ngự, Thanh Hóa lại nổi danh với sông Mã, núi Hàm Rồng… thì người Tuyên Quang luôn in sâu trong tim mình sông Lô, núi Dùm.

Núi Dùm - Tuyên Quang

    Trong lịch sử Đảng bộ Tuyên Quang còn ghi: Ngày 31/5/1884 Pháp đạt chân chiếm đóng Tuyên Quang…Chúng đặt ách cai trị nhằm bóc lột sức lao động của các dân tộc bản địa, khai thác tài nguyên, khoáng sản mang về nước. Pháp tuyển mộ phu phen, cu ly, năm 1905, xây dựng các hầm mỏ, đường ray… tiến hành khai thác kẽm, than đá tại Tràng Đà, thị xã Tuyên Quang và Đầm Hồng, Chiêm Hóa… Mỗi năm Pháp đã khai thác 12.000 tấn kẽm, 25.000 tấn than. Chúng đã rút ruột hàng ngàn mét khối gỗ, hàng ngàn tấn lâm, thổ sản tài nguyên rừng Tuyên Quang.

    Tôi đã ngồi đọc lại và rưng rưng trước những trang lich sử đẫm nước mắt của người dân mất nước. Bao nông dân từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam… bị cướp ruộng, đất; Những đồng bào Dao, Tày, Nùng… đói ăn được tuyển mộ đi phu. Núi Dùm giấu khoáng sản trong lòng, sừng sững cũng đầy chênh vênh, hiểm trở, rừng thiêng, nước độc. Mỗi ngày công nhân mỏ phải làm từ 10 đến 12 tiếng trong điều kiện lao động kém an toàn, khai thác quặng thủ công, dụng cụ thô sơ, hang núi ẩm thấp, thiếu khí trời và ánh sáng…

    Những cuộc đấu tranh của công nhân mỏ, đoàn thuyền sắt đã tác động mạnh tới nhân dân quanh vùng. Cùng với sự tuyên truyền giác ngộ của Xứ Ủy Bắc Kỳ, chi bộ đảng đầu tiên ở Tuyên Quang được thành lập - Chi bộ Mỏ Than. Dấu mốc lịch sử đánh dấu sự lãnh đạo của Đảng tại Tuyên Quang công khai là: “…Thực hiện chủ trương của chi bộ Mỏ Than, ngày 28/1/1941 (ngày mồng 2 tết Tân Tỵ) cờ đỏ búa liềm đã được treo ở núi Dùm…” (…Hai đồng chí Lương Văn Hồng và Quyết Tâm đã treo cờ - Lịch sử Đảng Bộ tỉnh Tuyên Quang, 1940-1975)

    Bài học và sự kiện lịch sử đó đã theo tôi suốt hành trình tuổi trẻ. Sông Lô, núi Dùm như một huyền thoại cần khám phá. Nhớ những chiều, cùng bạn bè học sinh cấp ba chạy dọc mép sông, nhặt cuội. Lòng chỉ ước có cây cầu vươn sang những hang đá như miệng quái vật khổng lồ. Nơi có nhấp nhô đỉnh chóp. Những năm dài tôi tham gia công tác. Núi Dùm vẫn lung linh bóng nước sông Lô. Rừng đại ngàn giờ không còn, nhưng còn đó mầu lam tím thẫm bên sông. Rồi cây cầu Nông Tiến hiện hữu. Hơn hai chục năm, cây cầu, nhân chứng cho sự vươn lên của mảnh đất miền núi. Biết bao câu thơ, nét nhạc ngân rung lên từ đây. Chiều tim tím núi Tràng Đà/Tôi tim tím nụ hoa cà bến sông - Đoàn Thị Ký. Ngửa mặt núi Dùm mây trắng -Trịnh Thanh Phong, Núi Dùm soi gương bóng nước/Thành nhà Mạc, gió mênh mang - Ngọc Hiệp…

    Tôi quyết định “thám hiểm” núi Dùm. Gọi thế cho ra chuyến đi. Thực ra, làng Dùm cách trung tâm thành phố bẩy km,chỉ vài chục phút rong ruổi xe máy. Xóm của đồng bào Dao Quần Trắng trên cổng trời này thuộc tổ 19, phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang. Đây là đường mòn cho người và ngựa ngày xưa. Đường men theo vách núi, suối sâu, ngày mưa nhiều đoạn trơn lầy. Ngồi sau tay lái lụa của Ma Tuyên, một hội viên Phân hội Nhiếp ảnh, Hội Văn nghệ Tuyên Quang nên tôi cũng an tâm. Con suối nhỏ chảy từ làng Nghẹt xã Phú Thịnh huyện Yên Sơn qua gần hai chục km làm nguồn nước cho thác Đát rồi chảy ra sông Lô. Những vạt rừng ót, cây gỗ tạp. Khu rừng nứa, giang măng ngọn tua tủa. Vài bông hoa chuối đỏ tươi. Nắng soi màu rừng xuống suối. Thỉnh thoảng lại gặp trang trại nuối cá, dê hoặc bí, rau. Năm bẩy hộ từ phố, tránh bụi bặm và tiếng ồn lên đây dựng lán làm trang trại.

Di tích hầm lò của Pháp, xây dựng năm 1905

    Đột ngột gặp những tường thành, hầm lò của Pháp xây từ năm 1905. Từng bậc gạch lên cao đã mòn vẹt chỉ còn là dấu tích. Những hố mắt đen ngòm, từ gạch đá lạnh nhìn thẳng vào tôi. Nào bu loong, cọc sắt. Đâu đường hầm, đường ray, hang núi… đã bị thời gian phủ bụi. Tôi hình dung những công nhân, họ là người dưới xuôi hay người mạn ngược đã chịu khổ nhục nơi này. Mồ hôi, nước mắt và cả xương máu đã từng rơi thấm đẫm núi Dùm. May còn lại những thân cây cổ kính, buông thả những mảng rễ bao bọc ấy tường gạch, đá. Rễ cây, những ngón tay dài lần mò trong mục ruỗng kiếm sống. Chúng tôi áp má vào rễ cây, vào tường thành nghe thời gian thì thầm…

    Làng Dùm có 44 hộ, 145 khẩu, chủ yếu là người Dao Quần Trắng. Những căn nhà sàn đơn sơ nằm nép bên núi hay ven đồi. Rừng và suối luôn bên cạnh chở che, ôm ấp. Quanh năm màu xanh ngợp mắt. Bà con canh tác trên diện tích12,5 ha lúa một vụ , 6 ha ngô, và cây sắn, khoai, rau màu trên nương đồi. Toàn thôn có 59 con trâu, hơn 200 con dê và nhiều lợn, gà, vịt. Cây lâm nghiệp cũng là một thế mạnh tiềm năng của đồng bào. Vì chưa có điện lưới nên cả thôn vẫn được tính là “nghèo”. Anh Nông Hồng Sơn, 38 tuổi, Phó thôn, bên ấm trà, tâm sự: Nói là hộ nghèo nhưng bà con đều đủ ăn, cuộc sống ổn định. Nhiều nhà chăn nuôi, trồng cấy theo mô hình trang trại, có tích lũy. Điển hình như gia đình ông Hưởng, ông Quân, ông Tiến, ông Kinh, ông Quý… Họ đầu tư trồng keo, mỡ phát triển rừng. Một số gia đình làm trang trại cam, ổi, vải, táo, bí… đã cho thu hoạch khá. Đầu năm 2017, thành phố Tuyên Quang đã hỗ trợ 70% tiền lắp hệ thống thu năng lượng mặt trời cho mỗi hộ. Có hộ sử dụng nguồn nước suối để phát điện nhỏ phục vụ sinh hoạt.

    Nhà sàn của Phó thôn Sơn, ba gian, mái lá, sàn gỗ. Căn nhà không to nhưng chắc chắn. Hai vợ chồng, hai đứa con. Gái lớn 14, trai nhỏ 10 tuổi. Khi chúng tôi đến nhà thì các cháu đều đi học. Phó thôn cho hay, hiện thôn có 3 cháu học lớp 5 và 8 cháu học phổ thông cơ sở, phải đi cách nhà 7 km. Tại thôn có hai lớp ghép, mỗi lớp gần hai chục em và một điểm trường mầm non. Sơn vừa đào xong ao thả cá. Anh đang cắt cây làm hàng rào cho vụ ngô vụ mới.

    Chúng tôi gặp chị Vũ Thị Thu, 57 tuổi, Phó bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Hội nông dân. Một người phụ nữ nhỏ thó, mảnh mai mà nhiều chức danh. Nếu không mang họ Vũ, tôi không nghĩ chị là người Kinh quê Nam Định. Nước da đanh lại vì nắng gió. Trước đây gia đình chị ở Thắng Quân, Yên Sơn, năm 1979 mới lấy chồng người Dao và về định cư nơi này. Hai vợ chồng, bốn người con. Ba người đã xây dựng gia đình. Chồng chị đã mất, giờ chỉ còn một cậu út chưa chịu lấy vợ. Hằng năm gạo đủ ăn, ngoài ra hai mẹ con thu hoạch một tấn ngô, 7 tấn sắn khô (Trên hai chục triệu đồng), mỗi tháng có thêm phụ cấp 850.000 đồng của các chức danh. Đứa đi lao động công ty, lấy vợ ở miền Nam, đứa lấy chồng xa. Ba bốn năm chị mới về quê một lần. Bây giờ bố mẹ mất, chị lại càng ít về. Hình như cả dáng điệu lẫn giọng nói, tiếng cười chị đã mang chất người Dao.

    Tuyên vác máy ảnh đi chụp chân dung người già, trẻ nhỏ. Tôi lội qua suối ra đồng. Mưa rào đầu mùa như hối thúc mầu xanh. Giống tạp giao, và Khang Dân vào cữ chắc khóm, xanh ngút ngát. Làng Dùm nắng đang phơi màu ngọc bích. Tôi bảo với Tuyên, núi Dùm mà xây dựng khu nghỉ mát, trồng nhiều hoa thì khác gì Đà Lạt…

    Đến giờ, tôi mới hiểu thêm, cái xóm nhỏ chênh chao trên núi đã có từ rất xưa. Họ là người miền núi, miền xuôi pha trộn. Bao tháng năm đồng bào đùm bọc yêu thương lẫn nhau, nói chung một thứ tiếng, uống chung nguồn nước. Bao đời nay xương cốt của họ đã khảm vào đất núi. Cái họ Nông của người Dao nhưng gốc là Nùng. Người họ Vũ quê Nam Định, giờ chỉ quen nói tiếng Dao. Có người Kinh nơi thành phố tránh nơi đông người, lên trồng cây nuôi rừng… Nhờ có bóng cờ năm ấy, lá cờ của Đảng, của Bác Hồ, cái xóm nhỏ heo hút, đói rách trên núi cao ấy mới có hôm nay. Ngày vui, màu cờ đỏ sao vàng, hình ảnh búa liềm lại tung bay trên nền xanh của núi rừng. Làng Dùm đang đi lên cùng quê hương Tuyên Quang trong sự nghiệp đổi mới./.

Ký của Lê Na