Bí thư Huyện ủy Na Hang Vân Đình Thảo khẳng định, Na Hang không có lợi thế về đường giao thông hay thu hút phát triển công nghiệp. Do đó, để phát triển, huyện tận dụng tiềm năng của mình để thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Theo đó, trọng tâm là phát triển nông nghiệp sạch gắn với du lịch sinh thái, tạo ra động lực để người dân địa phương có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
Du khách tham quan hồ sinh thái Na Hang. Ảnh: Minh Hoa
Xã Hồng Thái có thể coi là điển hình trong việc lồng ghép giữa phát triển nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch sinh thái. Nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, Hồng Thái được coi như Đà Lạt hay Sa Pa của Na Hang với cảnh sắc thơ mộng, khí hậu quanh năm mát mẻ. Sau nhiều năm loay hoay với bài toán trồng cây gì, nuôi con gì để giúp người dân thoát nghèo, huyện Na Hang đã xây dựng dự án hỗ trợ phát triển cây lê theo hướng sản xuất hàng hóa tại xã với diện tích hơn 30 ha kết hợp với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng (homestay).
Câu lạc bộ dù lượn Hà Nội đang tích cực luyện tập cho ngày khai hội.
Ông Bàn Tiến Sỹ, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái khẳng định, từ định hướng của huyện, đời sống người dân đã có nhiều thay đổi. Thay vì chỉ trồng tự phát, phục vụ nhu cầu của gia đình, bà con chăm sóc, phát triển sản phẩm lê thành hàng hóa. Xã cũng đã vận động 5 gia đình ở thôn Khau Tràng, thôn có 100% đồng bào dân tộc Dao Tiền chỉnh trang khuôn viên, nhà cửa, thành lập các điểm du lịch homestay để phục vụ khách du lịch.
Cùng với cây lê, Hồng Thái hiện phát triển hơn 25 ha rau đậu các loại, trong đó có 3,5 ha bí, 6 ha bắp cải, súp lơ, 5 ha cà chua, 4 ha khoai tây, 2 ha su su, 5 ha cây rau màu khác; 37 ha cây ăn quả. Đồng thời duy trì và phát triển 61,6 ha chè Shan Tuyết, 30 ha chè Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên… Hiện huyện Na Hang đang tiếp tục đưa vào thử nghiệm một số giống cây mới như bơ, xoài, dâu tây tại xã Hồng Thái nhằm nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa từ cây ăn quả gắn với phát triển du lịch.
Khu vực trồng những cây chè Shan cổ thụ sẽ diễn ra hoạt động thi hái chè. Ảnh: Quốc Việt
Chủ tịch UBND xã Hồng Thái Bàn Tiến Sỹ cho biết, chưa khi nào bà con Hồng Thái có niềm tin vào sự đổi thay lớn đối với xã như hiện nay. Khi hình ảnh Hồng Thái đã xuất hiện đều đặn trên các phương tiện thông tin đại chúng, mới đây nhất là trong chương trình “Miền quê đáng sống” của Đài Truyền hình Việt Nam. Từ đó, vừa quảng bá được tiềm năng của vùng, thu hút đầu tư, vừa giúp khách du lịch biết thêm thông tin về địa phương.
Gia đình ông Đặng Văn Hai thôn Khau Tràng là một trong những hộ tham gia dịch vụ homestay. Ông Hai hy vọng sau Lễ hội Ruộng bậc thang sẽ có thêm nhiều khách du lịch biết và đến với Hồng Thái, để bà con được tự hào “khoe” những gì mình đã dày công giữ gìn, xây dựng và phát triển.
Để phát triển nông nghiệp hàng hóa, UBND huyện Na Hang đã xây dựng Đề án số 01/ĐA-UBND, ngày 29-12-2016 phát triển sản xuất một số cây trồng hàng hóa, trong đó tập trung vào một số nông sản đặc sản như lúa nếp, đậu xanh, đậu tương, rau giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025 nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa, phát huy lợi thế các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của huyện. Các dự án sản xuất nông nghiệp hàng hóa được hình thành, bước đầu triển khai thực hiện có hiệu quả: Chè, rau an toàn Hồng Thái; vịt bầu Côn Lôn, lúa nếp đặc sản, cá đặc sản, đem lại thu nhập đáng kể cho nhân dân. Toàn huyện hiện có trên 1.295 ha chè đặc sản, trong đó có 1.265,8 ha chè Shan Tuyết; 30 ha chè Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên; thu nhập từ trồng chè đạt bình quân 26 triệu đồng/ha. Đồng thời, nghiên cứu đề tài bảo tồn cây đầu dòng và nhân rộng giống cây ăn quả địa phương, bình tuyển 20 cây hồng không hạt đầu dòng, nhân rộng diện tích 3 ha tại Đà Vị.
Vẻ đẹp của ruộng bậc thang thôn Khau Tràng. Ảnh: Quang Hòa
Phát huy lợi thế vùng hồ thủy điện Tuyên Quang, Na Hang khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi thủy sản, trong đó ưu tiên khuyến khích các tổ chức, cá nhân nuôi cá đặc sản. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn huyện hiện có 104 hộ, 2 doanh nghiệp tham gia vào nuôi trồng thủy sản với 809 lồng cá các loại. Trong đó, 340 lồng quy mô 108 m3, 469 lồng quy mô 9 - 60 m3, số lồng nuôi cá đặc sản 172 lồng, chiếm 21,3% tổng số lồng nuôi.
Ngoài phát triển chăn nuôi thủy sản, lợi thế từ vùng hồ thủy điện đã tạo ra diện mạo mới cho du lịch Na Hang. Hiện UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị để phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh trong việc lập hồ sơ khoa học Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình đề nghị xếp hạng danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt. Tin vui với huyện, khi ngày 19-9-2018 huyện Na Hang đã được công nhận xếp hạng di tích quốc gia Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình tại Quyết định số 3497/QĐ-BVHTTDL, ngày 19-9-2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hiện huyện đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hồ sơ di sản thiên nhiên thế giới Khu Di sản thiên nhiên Na Hang (Tuyên Quang) - Vườn Quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn).
Khu du lịch sinh thái Na Hang, điểm đến hấp dẫn của du khách. Ảnh: Hồng Lĩnh
Bí thư Huyện ủy Na Hang Vân Đình Thảo cho biết, nhờ thực hiện tập trung các giải pháp phát triển du lịch như bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; quản lý và khai thác có hiệu quả các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh hiện có và các lễ hội truyền thống; thu hút các doanh nghiệp vào khảo sát, đầu tư về du lịch..., du lịch Na Hang đã có bước khởi sắc. Bình quân năm 2016-2017 số lượt khách đến tham quan du lịch trên 93 nghìn lượt, 9 tháng năm 2018 Na Hang thu hút gần 85 nghìn lượt khách du lịch, doanh thu xã hội từ du lịch đạt trên 73,6 tỷ đồng.
Mục tiêu của Na Hang đến năm 2020 là trở thành thị xã. Mục tiêu này đang dần thành hình, khi những tiềm năng, lợi thế huyện đang tận dụng, biến thành cơ hội để phát triển bền vững.
Theo TQĐT