Nghề dệt thổ cẩm có từ bao giờ chắc không ai còn nhớ, chỉ biết với những sợi bông đầy đủ màu sắc, qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ đã dệt nên những mảnh vải nhiều sắc màu, tạo nên hồn cốt của dân tộc.
Hội thi Dệt thổ cẩm dân tộc do Hội Phụ nữ huyện phối hợp tổ chức.
Theo lời những người cao tuổi của huyện Lâm Bình, người Tày thường có truyền thống chuẩn bị chăn, gối thổ cẩm cho con gái làm của hồi môn khi đi lấy chồng. Bà Ma Thị Vanh, thôn Ka Nò, xã Khuôn Hà cho biết, mỗi cô dâu khi về nhà chồng thường được chuẩn bị ít nhất chục bộ chăn, màn do tự tay mình dệt để thể hiện sự khéo léo của cô dâu và cũng là cách báo hiếu với cha mẹ, anh chị bên nhà chồng. Vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, những cô gái Tày đã được các bà, các mẹ truyền dạy các công đoạn của trồng bông, dệt vải. Tấm thổ cẩm xấu hay đẹp phụ thuộc vào sự sáng tạo của mỗi người. Nhìn hoa văn là biết sự tinh tế của người con gái, biết tâm tư tình cảm của người dệt ra nó.
Dù mang đậm những giá trị văn hóa truyền thống, nhưng nghề dệt trên địa bàn huyện không tránh khỏi vòng quay của cuộc sống hiện đại. Người phụ nữ cũng đã lựa chọn cho mình những công việc phù hợp với bản thân để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Chị Lý Thị Thoan, xã Thượng Lâm chia sẻ, chị được mẹ dạy nghề dệt từ khi 14 tuổi, khi đi lấy chồng chị cũng đã mất gần 1 năm tự tay dệt đồ để mang về nhà chồng. Tuy nhiên, sau khi lấy chồng, sinh con công việc gia đình đã làm chị không có thời gian ngồi dệt vải. Dù nhiều lúc nhớ khung cửi, nhớ nghề lắm nhưng đành chịu.
Hiện nay, trên địa bàn huyện còn gần 20 hộ gia đình giữ được nghề dệt thổ cẩm. Để nghề dệt không bị mai một, huyện đã có nhiều hoạt động nhằm khuyến khích, lưu giữ nghề. Gần đây nhất, Hội Phụ nữ huyện đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao huyện tổ chức Hội thi “Dệt thổ cẩm dân tộc” cho các xã trên địa bàn. Theo bà Hứa Thị Phương, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện, đây là năm đầu tiên huyện tổ chức hội thi dệt thổ cẩm. Thông qua hội thi, từ đôi bàn tay khéo léo, chị em phụ nữ đã sáng tạo các sản phẩm dệt và được giao lưu học hỏi thêm những kỹ thuật hay trong quá trình dệt. Đặc biệt, đây là cơ hội để nhiều người biết đến các sản phẩm dệt của huyện, nhằm mang lại thu nhập từ việc bán các sản phẩm, tạo điều kiện cho nghề dệt được duy trì và phát triển.
Những mảnh vải được dệt với màu sắc, hoa văn mang đặc trưng riêng của mỗi dân tộc. Nếu người Tày với sắc đen truyền thống thì người Pà Thẻn lại rực rỡ sắc đỏ. Dù vậy, mỗi một sản phẩm được làm ra đều có chung tình cảm của người dệt gửi gắm vào đó. Nếu những người trung niên sản phẩm mang sự hài hòa, tinh tế thì người trẻ tuổi lại có sự độc đáo, mới mẻ. Điều đó đã làm nên sự đặc biệt trong mỗi sản phẩm dệt của huyện. Với mục tiêu phát triển du lịch gắn với các sản phẩm đặc trưng của địa phương, thì việc bảo tồn và phát triển nghề dệt là việc làm thiết thực nhằm sớm đưa các sản phẩm dệt trở thành nguồn thu nhập chính để nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn.
Theo TQĐT