Giữ nghề nơi non cao

Thứ hai, ngày 30/09/2019 - 08:29
Đã xem: 4,201 views

Đã bao đời, người dân xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) vẫn giữ nghề đan lát truyền thống, nhưng sản phẩm làm ra chỉ là quạt, nong, nia, rá, rổ, giần sàng phục vụ cuộc sống hàng ngày… Chỉ đến khi bà Hoàng Thị Hoan đứng ra thành lập Tổ hợp tác sản xuất mây tre đan ở xã thì nghề này mới giúp những phụ nữ nơi rẻo cao này có thêm nguồn thu nhập.

Những người khởi xướng 

Thôn Ngầu 1 giờ trở thành “xưởng” sản xuất của nhóm phụ nữ trong Tổ hợp tác sản xuất mây tre đan Hùng Mỹ. Người đã thạo nghề dạy lại người mới vào làm, tiếng nói cười, trao đổi râm ran cả một góc núi. Tổ trưởng Tổ hợp tác Hoàng Thị Hoan và Chủ tịch UBND xã Đỗ Văn Hiếu được các thành viên coi như “linh hồn” của xưởng. Là bởi bà Hoàng Thị Hoan đã từng có 17 năm công tác tại Hội Phụ nữ xã, có khả năng vận động, kết nối các hội viên và đặc biệt là tâm huyết, nhiệt tình. Trước khi thành lập Tổ hợp tác mây tre đan, đã có nhiều người ở Hùng Mỹ đến Trung Hà học và theo nghề đan cót, nhưng vì không có người dẫn dắt, tổ chức nên số người theo nghề không còn nhiều. Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Đỗ Văn Hiếu là người tạo lập những nền tảng đầu tiên khi quyết định thành lập tổ hợp tác để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có và nguồn lao động nhàn rỗi. 

Bà Hoàng Thị Hoan (bên trái), hướng dẫn các học viên tại lớp học mây tre đan do UBND xã tổ chức.

Tổ hợp tác thành lập từ tháng 5 - 2018, ban đầu chỉ có 12 thành viên. Sau hơn 1 năm hoạt động, số thành viên đã tăng lên 29 thành viên, cộng với hơn 40 lao động làm việc liên tục tại xưởng. Bà Hoan bảo, lao động làm việc trong tổ hợp tác tất cả đều là phụ nữ dân tộc thiểu số. Họ đều được cha mẹ mình dạy cách đan lát từ những năm lên 9 lên 10. Ngày trước, các vật dụng trong gia đình đều được đan lát thủ công, từ cái rổ, cái rá cho đến cái nong, cái nia nên nhà nào cũng có người biết đan. Người già chỉ dẫn cho người trẻ, người thạo nghề chỉ dạy cho những người chưa quen tay… Tuy nhiên, sau một thời gian đồ nhựa lên ngôi, những sản phẩm này dần bị thay thế, thì việc đan lát trong lúc nông nhàn cũng được thay thế bằng những chuyến “xuất khẩu lao động tại chỗ” - khi hầu hết lao động trong độ tuổi đi làm việc tại các nhà máy, công ty. 

Chủ tịch UBND xã Đỗ Văn Hiếu cho rằng, Hùng Mỹ là địa phương còn nhiều nguyên liệu tự nhiên sẵn có để có thể sản xuất thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trong khi không phải người lao động nào cũng có thể tìm được việc ở các nhà máy, công ty, vì độ tuổi, vì hoàn cảnh… nên khi thành lập tổ hợp tác đã thu hút được các thành viên này. Đây cũng là công việc khá phù hợp với sức lao động. Người không có ruộng thì họ làm toàn thời gian tại xưởng, người có ruộng thì họ làm thời vụ để có thêm thu nhập sau mỗi vụ thu hoạch. 

Kết nối sản phẩm đến với thị trường

Từ trước khi thành lập, lãnh đạo xã Hùng Mỹ đã đến làm việc với một số cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ tại Chương Mỹ (Hà Nội) để đặt vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tìm nghệ nhân đến tận xã để mở lớp dạy nghề cho các thành viên.

Các sản phẩm mây tre đan của các thành viên Tổ hợp tác mây tre đan Hùng Mỹ. 

Nghệ nhân Trịnh Văn Quỳnh, người trực tiếp hướng dẫn cho các thành viên trong tổ hợp tác cho rằng, cái hay của nghề đan lát là có thể tận dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có của Hùng Mỹ, từ cây tre, cây nứa đến cây giang, cây guột. Các thành viên trong tổ hợp tác có một lợi thế là đã đan thành thạo những chiếc rổ, chiếc rá… từ những ngày niên thiếu. Nhưng đây cũng là bất lợi, vì đặc trưng truyền thống trong sản phẩm mây tre đan là hình dáng tuy đơn giản, mộc mạc nhưng kỹ thuật sản xuất lại rất tinh xảo, đòi hỏi sự công phu của những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo. Các công đoạn sản xuất mây tre đan rất cầu kỳ, bao gồm chọn nguyên liệu rồi tuốt, phơi, chẻ nan, sấy… Sau đó, nguyên liệu sẽ được luộc trong nước sôi hoặc sấy khói rơm để có màu đẹp tự nhiên, cuối cùng mới đến tay người thợ đan thành sản phẩm. 

Chị Hứa Thị Hằng, thôn Ngầu 1 vừa nhanh tay hoàn thành những mối đan cuối cùng của chiếc cốc mây, vừa chia sẻ, thời điểm mới theo nghề cũng nản lắm, vì các sản phẩm hoàn thành chỉ được thầy giáo chấm điểm 5, điểm 6. Lúc bị “điểm kém” mình cũng nghĩ bụng có khi phải bỏ cuộc thôi, vì cứ 5, 6 điểm mãi như này thì đến bao giờ mới có sản phẩm bán được tiền. Nhưng cứ học dần, theo dần, thả lỏng tay dần để “mềm hóa” sản phẩm. Chị Hằng khoe, giờ nhiều sản phẩm đã được thầy chấm điểm 9 điểm 10 rồi.

Bà Hoàng Thị Hoan bảo, những sản phẩm ban đầu còn thô sơ, nhiều lỗi, nhưng càng về sau càng sắc nét và có độ tinh tế hơn. Ngay như cây guột, hay còn gọi là cây tế, mọc xen lẫn những bãi cỏ thấp hoặc cây bụi thưa có ở khắp núi rừng Hùng Mỹ, lâu nay bà con có mấy người nghĩ có thể tận dụng để bán được tiền, mà giờ chỉ cần bỏ chút thời gian, công sức là đã có thể biến thành những chiếc làn, chiếc hộp đựng mỹ phẩm, đồ trang sức bắt mắt. Trung bình mỗi ngày, 1 lao động làm việc tại xưởng có thể làm hoàn chỉnh 3 sản phẩm, trong đó có ít nhất 2 sản phẩm được các cơ sở ở Chương Mỹ thu mua, giá mỗi sản phẩm từ 100 nghìn đồng trở lên tùy vào độ sắc sảo, tinh tế. 

Tổ hợp tác mây tre đan Hùng Mỹ giờ cung cấp cho các cơ sở chế biến đồ thủ công mỹ nghệ ở Chương Mỹ nhiều sản phẩm, như làn mây, làn bằng guột, hộp đựng trang sức, mỹ phẩm và nhiều sản phẩm được đặt hàng riêng như ấm ủ, cốc mây… 

Nghề đan lát ở Hùng Mỹ đã trải qua bao thăng trầm. Giờ, Tổ hợp tác mây tre đan Hùng Mỹ đã từng bước lưu giữ, phát triển và đưa những sản phẩm đan lát từ bàn tay những phụ nữ địa phương đến với người tiêu dùng cả nước, trong đó có nhiều sản phẩm đã được lựa chọn để xuất khẩu. Chủ tịch UBND xã Đỗ Văn Hiếu phấn khởi, lớp thợ hôm nay dám nghĩ dám làm để những sản phẩm của mình nối tiếp truyền thống của những người đi trước, đó là niềm tự hào của những người khởi xướng như chúng tôi…

Theo TQĐT