Phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng

Thứ tư, ngày 14/08/2019 - 10:20
Đã xem: 4,994 views

Du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng đang là lựa chọn của nhiều du khách khi đến với Tuyên Quang. Nắm bắt tâm lý đó, một số hộ gia đình đã mạnh dạn cải tạo các điều kiện sẵn có để phát triển du lịch. Nhờ đó, không những giúp tăng thu nhập cho bản thân họ mà còn tạo nguồn thu cho người dân địa phương.

 Vào những ngày hè nắng nóng năm 2019, tại điểm du lịch cộng đồng Bản Bon và Nặm Đíp, huyện Lâm Bình thu hút rất đông khách du lịch tới tham quan, nghỉ dưỡng. Hiện tại điểm du lịch đang giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phwng. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có rất nhiều điểm du lịch cộng đồng nữa cũng thu hút đông du khách đến nghỉ dưỡng và tham gia các dịch vụ khác như đi xe đạp, xe máy, xe trâu thăm quan bản làng, du thuyền thăm quan các điểm danh thắng trên lòng hồ sinh thái, trèo thuyền kayak hoặc có thể cắm trại trong rừng nguyên sinh…

Nhà nghỉ đón khách du lịch cộng đồng tại Bản Bon, huyện Lâm Bình

2017, huyện thực hiện đề án “Xây dựng và vận hành mô hình Du lịch cộng đồng”. Đề án nhằm bảo tồn và phát triển bền vững Làng văn hóa dân tộc Tày các thôn Nà Đông và Nà Tông (xã Thượng Lâm), Nà Muông (xã Khuôn Hà) và Nặm Đíp (xã Lăng Can) với 15 hộ tham gia. Thực hiện đề án, huyện đã tổ chức cho các hộ dân tham quan, học tập kinh nghiệm, làm du lịch cộng đồng tại một số tỉnh bạn; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng làm du lịch cộng đồng; hoàn thành việc chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, thành lập các đội văn nghệ, tổ chức tập luyện các tiết mục để phục vụ khách du lịch; hoàn thành xây dựng bản đồ, tua, tuyến du lịch, tập huấn hướng dẫn viên du lịch, bổ sung dịch vụ du lịch như: chèo thuyền kayak, xe đạp, xe máy, bè mảng, câu cá,... phục vụ du khách. Huyện tích cực quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế và sản phẩm du lịch của huyện trên Facebook, Youtube bằng tiếng Anh, Pháp; hoàn thành xây dựng website “Du lịch Lâm Bình”; tiếp tục vận động nhân dân duy trì gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; liên kết với các Công ty Lữ hành du lịch trong và ngoài tỉnh khảo sát, kết nối du lịch; thực hiện đón, tiếp khách quốc tế và trong nước đến tham quan, du lịch.

Danh thắng quốc gia thác Bản Ba, huyện Chiêm Hóa

Ngoài Lâm Bình, Điểm du lịch sinh thái thác Bản Ba, huyện Chiêm Hóa cũng đang là địa điểm thu hút rất đông khách du lịch. Hiện nay, tại điểm du lịch này cũng kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng homestay, họ chủ động cải tạo các điều kiện sẵn có để thu hút khách du lịch, như: trồng hoa, cải tạo khuôn viên và liên kết với các hộ gia đình người dân bản địa cung cấp các sản phẩm: rượu men lá, trà giảo cổ lam…

Thực tế, du lịch sinh thái gắn với lợi ích cộng đồng đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực. Đặc biệt, nơi nào có sự tham gia trực tiếp của người dân trong các hoạt động du lịch đều tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm, đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho người dân bên cạnh hoạt động sản xuất nông nghiệp thuần túy. Những mô hình du lịch này đã góp phần không nhỏ vào việc giảm tính mùa vụ trong du lịch, thu hút khách du lịch đến Tuyên Quang. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng lượng khách du lịch đến Tuyên Quang đạt 1.248.100 lượt, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2018, doanh thu xã hội ước đạt 1.126 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Với tiềm năng to lớn về tự nhiên, cùng với nhu cầu thực tế của cuộc sống, phát triển du lịch sinh thái gắn với cộng đồng là tất yếu và chắc chắn ngày càng được mở rộng tại Tuyên Quang. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch sinh thái ở Tuyên Quang hiện phần nhiều vẫn mang tính tự phát. Hệ thống các dịch vụ đi kèm phục vụ sinh hoạt, nghỉ ngơi, ăn, uống, nhất là hệ thống vệ sinh vẫn còn thiếu và yếu…

Để phát triển du lịch mang tính bền vững, tỉnh cần tiếp tục có những chính sách để phát triển du lịch sinh thái gắn với lợi ích cộng đồng. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức và đào tạo về lĩnh vực du lịch sinh thái, cộng đồng cho các đơn vị quản lý, đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên, các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ và tăng cường sự tham gia của người dân địa phương đối với loại hình du lịch này.

Phạm Hương