Hấp dẫn du lịch sinh thái

Thứ tư, ngày 27/05/2020 - 16:37
Đã xem: 3,717 views

Những ngày hè oi ả này, nhìn những cung đường thưa thớt bóng cây ở các nơi mới nhận ra Tuyên Quang đang rợp mát màu xanh cây cối. Trước kia, rừng Tuyên Quang là An toàn khu che chở cho Bác Hồ và các cơ quan Trung ương lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công và lãnh đạo cuộc kháng chiến 9 năm đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược thắng lợi. Ngày nay rừng Tuyên Quang với độ che phủ đến 65% đang vừa là nguồn kinh tế quan trọng của tỉnh, vừa là điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách gần xa.

Ngày nay, đô thị hóa ảnh hưởng lớn đến môi trường sống trong lành của con người. Và xu hướng tất yếu, du khách ngày càng tìm đến các khu du lịch sinh thái để tĩnh tâm, trải nghiệm, thư giãn, nghỉ dưỡng, cân bằng lại cuộc sống. Tiềm năng du lịch sinh thái ở Tuyên Quang rất lớn, trong đó phải kể đến Di tích quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình, Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm… Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình có diện tích 41.061 ha, trong đó có 33.061 ha đất rừng và 8.000 ha mặt nước vùng lòng hồ thủy điện.

Du lịch dựa vào bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp đang nở rộ ở Lâm Bình.

Bên cạnh đó, Khu bảo tồn còn có các danh thắng cảnh nổi tiếng như: Núi đá Thượng Lâm, hang Nà Chao, Pác Khoang, thác Pác Ban, Pác Hẩu, Khuổi Nhi. Đặc biệt tua thăm Cọc Vài, leo thác Khuổi Nhi tắm, cho cá mát xoa, rỉa chân được nhiều du khách hào hứng, thích thú. Những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, giữ gìn cảnh quan nguyên sinh, hoang sơ của khu bảo tồn. Nhiều bản làng dân tộc thiểu số được quy hoạch thành làng văn hóa du lịch cộng đồng, du lịch homestay đã bắt đầu phát triển như: Làng homestay thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái; Nà Vai, Nà Khá, xã Năng Khả (Na Hang); Nặm Đíp, xã Lăng Can; Nà Tông, Nà Đông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình). Một số doanh nghiệp, công ty lữ hành du lịch trong nước và quốc tế bắt đầu hợp tác khảo sát tua tuyến, liên kết khai thác du lịch, nhằm biến nơi đây trở thành “trung tâm du lịch của miền Bắc” trong một thời gian không xa.

Bà Triệu Thị Xướng, chủ homestay Hoàng Tuấn, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) chia sẻ, khu bảo tồn đã mang lại giá trị to lớn cho cuộc sống của người dân. Nếu biết bảo vệ, giữ gìn “vẻ đẹp trời cho” này, lĩnh vực du lịch chắc chắn sẽ thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm.

Đến Tuyên Quang du khách còn được trải nghiệm, nghỉ dưỡng ở Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm. Mỏ nước khoáng này trước kia được người Pháp phát hiện, sử dụng và đánh giá chất lượng nước tốt nhất khu vực Đông Nam Á. Nước bơm lên có nhiệt độ gần 70 độ C, để nguội là có thể uống được ngay. Uống và tắm nước khoáng thường xuyên có thể trị một số bệnh mãn tính như xương khớp, da liễu, đường ruột, thần kinh. Hiện nay, Tập đoàn VinGroup đang xây dựng Vinpearl Tuyên Quang quy mô 30 ha với đầy đủ các phân khu chức năng như tắm khoáng, dưỡng lão, chữa bệnh, giải trí, dịch vụ. Trong đó, cảnh quan các đồi chè xung quanh được giữ nguyên, tôn tạo để phục vụ du lịch. Từ trung tâm khu du lịch, du khách còn có thể tham quan, trải nghiệm nghề làm chè tại các cơ sở sản xuất chè xanh hữu cơ Phú Lâm, Mỹ Bằng.

Đến Tuyên Quang những ngày hè nóng nực, du khách còn có thể đắm mình với dòng nước mát lành ở danh thắng quốc gia thác Bản Ba, xã Trung Hòa, huyện Chiêm Hóa. Từ trên cao nhìn xuống, các tầng thác như mái tóc dài thướt tha của người thiếu nữ, lúc tuôn trào dữ dội, lúc chia nhánh như hai dải lụa trắng tung bay dưới núi rừng kỳ vĩ.  Tầng thác thứ ba có tên gọi Vực Linh, chảy dọc theo những phiến đá vôi xuống vực sâu. Đến với thác Bản Ba, du khách còn được thưởng thức những món ăn đặc sản của đồng bào dân tộc ở địa phương như: Thịt chua, mắm cá ruộng, xôi ngũ sắc, cơm lam… Đồng thời trải nghiệm tham quan làng nghề mây tre đan đặc sắc.

Chị Nguyễn Thị Mai, du khách Hà Nội bày tỏ, đến tham quan và trải nghiệm danh thắng thác Bản Ba chị và mọi người trong đoàn rất ấn tượng. Cảnh vật thiên nhiên nơi đây còn nguyên sơ, thân thiện, gần gũi, tạo cho chị cảm giác thoải mái và thích thú. Dòng nước mát như giúp chị và mọi người xua đi mọi mệt mỏi, căng thẳng. Đặc biệt là sau khi trải nghiệm từng tầng thác, được thưởng thức những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc, ai cũng vui vẻ và ấn tượng. Nhất định chị và mọi người sẽ còn quay trở lại nơi này.

Ở Tuyên Quang còn có một địa danh giàu tiềm năng du lịch sinh thái, đó là dãy núi Chạm Chu trải dài giữa hai huyện Hàm Yên và Chiêm Hóa. Đây là dãy núi có độ cao nhất tỉnh 1.570 m so với mực nước biển, quanh năm mây phủ, mát mẻ với những cánh rừng nguyên sinh đại ngàn, được bảo vệ nghiêm ngặt. Dưới chân dãy Chạm Chu là hàng nghìn ha cam sành của các xã. Do có khí hậu, thổ nhưỡng tốt của vùng Chạm Chu mà cam sành Hàm Yên, Chiêm Hóa phát triển tốt, chất lượng và sản lượng không đâu sánh bằng. Mấy năm gần đây, các công ty lữ hành đã thử nghiệm đưa du khách đi tham quan các vườn cam, khám phá rừng Chạm Chu, triển vọng đang mở ra.

Tuyên Quang có những lợi thế trong chiến lược phát triển du lịch thân thiện với môi trường. Nhận thấy những thuận lợi đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định phát triển du lịch trở thành một trong 3 lĩnh vực đột phá. Chắc chắn tiềm năng đó sẽ được khai thác hiệu quả trong thời gian không xa.

Theo TQĐT