Phát triển bền vững du lịch Lâm Bình: Giải pháp để không lãng phí

Chủ nhật, ngày 23/02/2020 - 09:06
Đã xem: 1,226 views

4 năm trở lại đây, du lịch Lâm Bình đã dần được khách du lịch trong và ngoài nước lựa chọn là điểm đến để khám phá, trải nghiệm. Tuy nhiên, theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Dưng, để du lịch Lâm Bình phát triển bền vững hơn, hiệu quả hơn, huyện phải xây dựng được giải pháp để hạn chế “2 phí”: Miễn phí và lãng phí.

Tiềm năng song hành cùng thách thức 

Lâm Bình có tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 80%; có những dãy núi đá vôi trùng điệp bao quanh các thung lũng rộng lớn, kỳ vĩ. Đặc biệt, cùng với huyện Na Hang, Lâm Bình có hồ sinh thái rộng trên 8.000 ha (hồ nằm trên địa bàn 2 huyện Na Hang - Lâm Bình). Ngoài ra, trên địa bàn huyện có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp: Danh thắng Quốc gia 99 ngọn núi Thượng Lâm; phong cảnh núi non Khuôn Hà, Lăng Can, Thổ Bình; những thác nước kỳ vĩ như Nặm Me, Khuổi Nhi, Khuổi Súng.

Đây là những tiềm năng để Lâm Bình phát triển du lịch sinh thái, du lịch khám phá, du lịch cộng đồng. Để tạo bước đột phá trong phát triển du lịch tại địa phương, từ đầu năm 2016, Lâm Bình đã bắt đầu triển khai thực hiện thí điểm mô hình du lịch cộng đồng tại 4 điểm, với 15 hộ dân tham gia; Huyện thành lập Tổ công tác, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách từng hộ, trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ các hộ thực hiện việc xây dựng mô hình; tổ chức cho các hộ dân tham quan, học tập kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng tại tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Thái Nguyên.

Khách du lịch đến nghỉ tại Homestay của gia đình anh Chẩu Xuân Việt, thôn Nặm Đíp, 
xã Lăng Can (Lâm Bình).  Ảnh: Hải Hương

Tuy nhiên, trong nhiều năm, với mục tiêu để quảng bá, thu hút khách du lịch gần xa, Lâm Bình cũng như nhiều địa phương rơi vào tình trạng miễn phí và lãng phí nguồn tài nguyên du lịch khá lớn. Mặc dù lượng khách du lịch đến với địa phương liên tục tăng, năm 2016, lượng khách du lịch đến với huyện chỉ đạt trên 13.500 người, thì trong những năm tiếp theo, lượng khách du lịch liên tục tăng, năm 2017 là 35.000 lượt; năm 2018 45.000 lượt và năm 2019 tăng gấp đôi lượng khách năm trước, trên 90.000 lượt, nhưng doanh thu vẫn khá khiêm tốn. Theo Phòng Văn hóa - Thông tin, doanh thu xã hội năm 2019 đạt trên 54 tỷ đồng. Con số này, nếu tính ra doanh thu dịch vụ còn hạn chế hơn, vì khách du lịch chỉ sử dụng dịch vụ Homestay, tàu thuyền, ăn uống, trong khi chi tiêu vào quà tặng lưu niệm gần như rất ít. 

Tái cơ cấu

Ông Hoàng Văn Thức, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lâm Bình cho biết, năm 2020, Lâm Bình phấn đấu đón trên 100.000 lượt khách du lịch. Trong đó, theo tính toán, chỉ riêng lượt khách du lịch đến với huyện thời điểm đầu năm tổ chức Lễ hội Lồng tông ước trên 15.000 lượt. Tuy nhiên, năm nay, cũng như nhiều địa phương khác, Lâm Bình hủy kế hoạch tổ chức lễ hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19, lượt khách du lịch đến với huyện thời điểm đầu năm không đạt hiệu quả như mong muốn. Nhưng theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Dưng, đây lại là cơ hội để huyện tái cơ cấu lại ngành kinh tế này.

Đầu năm 2020, UBND huyện xây dựng kế hoạch phát triển du lịch huyện năm 2020. Trọng tâm là phát triển hạ tầng viễn thông tại khu vực sinh thái Na Hang - Lâm Bình; đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư, khai thác và phát triển các loại hình du lịch của huyện có tiềm năng, lợi thế. Đồng thời, hoàn thành “Đề án xây dựng làng văn hóa gắn với du lịch tại thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm; thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can” và Phục dựng, bảo tồn văn hóa truyền thống, nghi lễ, nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Pà Thẻn. Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Hoàng Văn Thức, ngay đầu năm 2020, huyện đã lắp đặt camera ngay tại khu vực Bến Thủy (Thượng Lâm), kết nối với Trang thông tin điện tử huyện, khách du lịch sẽ được cấp quyền truy cập miễn phí camera và nhận được hình ảnh toàn cảnh về du lịch vùng hồ thủy điện. Về lâu dài, huyện sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để khách có thể truy cập qua các trang thông tin điện tử của tỉnh và các trang liên quan về du lịch. Có như vậy, sẽ tăng tính thuyết phục đối với những khách có nhu cầu tìm hiểu và đến với địa phương. Cùng với quảng bá, huyện sẽ tổ chức các sự kiện như Ngày hội du lịch văn hóa Lâm Bình tại Hà Nội, qua đó, chuyển “trạng thái” thu hút khách du lịch từ thụ động sang chủ động. 

Khu dân cư thôn Bản Khiển, xã Lăng Can hiện đang được xây dựng thành khu dịch vụ văn hóa trải nghiệm tổng hợp, gắn với phố đi bộ. Theo Bí thư Đảng ủy xã Lăng Can Ma Ngọc Trường, khách du lịch đến với Lăng Can, ngoài trải nghiệm dịch vụ Homestay Nặm Đíp, sẽ được tham gia các hoạt động văn hóa - thể thao, xây dựng các điểm bán hàng lưu niệm với các sản phẩm truyền thống địa phương như thêu, đan lát, nông sản đặc sản địa phương... Xã kỳ vọng, các giải pháp này sẽ tăng tính tương tác giữa người dân địa phương với du khách, đồng thời, có thêm sản phẩm để khách “rút hầu bao”, tăng thu nhập cho người dân địa phương. 

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình Nguyễn Văn Dưng cho biết, nếu như giai đoạn trước, trong cơ cấu kinh tế của huyện là thu hút nguồn lực phát triển hạ tầng - nông nghiệp - du lịch, thì trong nhiệm kỳ tới, Lâm Bình xác định cơ cấu sẽ chuyển thành du lịch - nông nghiệp và hạ tầng. Sự thay đổi này sẽ hoàn thành mục tiêu đưa kinh tế du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương này.

Theo baotuyenquang.com.vn