Cấp sắc cho then

Thứ tư, ngày 22/04/2020 - 08:09
Đã xem: 4,184 views

Với đồng bào Tày, thầy then là những người có uy tín trong cộng đồng. Thầy then là người am hiểu phong tục, có thể thực hiện tất cả những nghi lễ tâm linh truyền thống, từ ma chay, cưới hỏi đến mừng thọ…

Và trong nghề làm then, niềm mơ ước của các thầy then đi cúng là được cấp sắc. Cấp sắc là một lần sát hạch về chuyên môn để tăng uy tín, ở vị thế cao hơn. Nó khẳng định tiêu chuẩn cúng lễ của thầy then. Trong một đời làm then có thể được cấp sắc vài lần. Lần đầu cấp chứng chỉ vào nghề, được làm nghề. Những lần tiếp theo là cấp chức vị (thăng cấp), mỗi lần cấp có sắc phong (văn bằng chứng chỉ) và điểm thêm một màu sắc hoa văn trên mũ áo, màu đỏ, vàng, đen tùy từng chức vị. Thầy then nào có cấp bậc càng cao thì càng có nhiều quyền năng cũng như uy tín. Trong cấp chức, cấp cao nhất là "píc niếng". Đám cúng cấp sắc là đám to nhất của nhà then, trước đây làm 3 ngày đêm, nay rút ngắn còn hai ngày đêm.


Nghệ nhân Hà Thuấn, xã Tân An, Chiêm Hóa truyền dạy then cho thế hệ trẻ. Ảnh: Quốc Việt​

Để nghi lễ cấp sắc diễn ra suôn sẻ, nhà làm then (thậm chí cả họ hàng) phải chọn ngày lành tháng tốt, thống nhất các phần nghi lễ với một vị thầy then có chức sắc cao nhất là "pò thay" (thầy cả). Bản thân người được chọn hành nghề (con then) cũng cần phải giữ cho sạch sẽ, kiêng cữ nhiều điều, bảo vệ sức khỏe tốt từ 2-3 tuần lễ. Nếu pò thay không còn thì trong số các thầy đến giúp việc (thường từ 2 đến 3 người, hoặc có thể nhiều hơn), người nào có chức sắc cao hơn sẽ làm nhiệm vụ của pò thay để trao phong ấn và đội mũ cho người được cấp sắc.

Trình tự lễ cấp sắc được tiến hành theo các khúc then: Tẩy rửa bàn thờ, bắc cầu hào quang, lập phủ thanh lâm, lọc vía hào quang, soạn lễ vào cung Ngọc Hoàng và đội mũ cho con then (gọi là Cường Sở - người được cấp sắc).

Đến giờ lành, pò thay thực hiện các nghi thức của việc cấp sắc. Đoạn đầu thầy đọc một bài khấn. Kế đó, sẽ lần lượt cấp các đồ nghề làm then cho con then, mỗi loại đồ nghề thầy lại đọc mấy câu khấn với ý nghĩa trao đầy đủ đồ nghề cho con then, lúc này con then quỳ dưới sân chắp tay nghiêm trang đón nhận.

Đầu tiên là cấp chiếc mũ 5 dải để làm phúc cho dương gian, bản làng; cấp cây đàn tính 3 dây, chùm xóc nhạc 5 dây, kể từ ngày này con then sẽ dùng nó để đi cầu an, cầu phúc cho thiên hạ. Con then mới vào nghề thường được cấp 3 loại ấn chính là ấn Tam Bảo (thờ Phật) dùng để làm các nghi lễ liên quan đến cầu an; ấn Ngọc Hoàng dùng trong nghi lễ giải hạn; ấn Ngũ Lôi dùng trong các nghi lễ cầu mùa. Đồng thời được cấp những vật thiêng trong nghề then, được dùng với nhiều ý nghĩa như: Quẻ xin âm dương để biết đắc lệ, đắc việc hay chưa; quạt tượng trưng cho cờ hiệu sai lính, nhập đồng, xin gạo; kiếm là để trừ tà; chuông dùng trong các nghi lễ trừ tà và khai ấn; cấp quần áo, đai, hài, giầy, thường thì cấp đủ 3 màu đỏ (áo tướng), áo vàng (áo khách), áo xanh (áo tổ sư làm Tào, Pháp) với ý nghĩa đầy đủ phục trang cho con then khi hành lễ sau này.

Không gian diễn ra lễ cấp sắc chủ yếu trong phạm vi gia đình hay một địa điểm ngoài trời. Các thầy thường chọn cánh đồng rộng để trời đất chứng giám và ban cho người được cấp sắc những chữ đạo làm thầy đầu tiên.

Hiện Tuyên Quang có nhiều nghệ nhân then như: ông Hà Thuấn, xã Tân An (Chiêm Hóa), ông Hà Ngọc Cao, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa), ông Nguyễn Mạnh Thẩm, xã Thanh Tương (Nà Hang), ông Ma Văn Đức, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang)… Họ đều là thầy then, am hiểu nghi lễ then truyền thống, là nòng cốt truyền dạy then cho thế hệ trẻ.     

Theo TQĐT