Con đường lên trung tâm thị trấn Na Hang khá ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, hiện rõ nét đặc trưng của một thị trấn huyện lỵ vùng cao. Đến đèo Cổ Yểng, xã Thanh Tương, phóng tầm mắt xa xa du khách có thể nhìn thấy ngọn núi Pác Tạ sừng sững vươn lên trong những đám mây. Đi thêm chút nữa ra khu vực bến thủy thì đã nhìn thấy rõ hơn ngọn Pác Tạ uy nghiêm soi bóng xuống lòng hồ. Giống như núi Đôi - biểu tượng của huyện Quản Bạ (Hà Giang) thì Pác Tạ là biểu tượng của Na Hang.
Ông Lộc Minh Tân, nguyên Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Na Hang nói, đi đâu xa về nhìn thấy ngọn Pác Tạ là thấy nhà của mình, quê hương mình. Núi Pác Tạ được người dân ví như "vú của trời", hay còn có tên gọi khác là núi Voi. Kỳ lạ thay, mỗi góc nhìn núi lại hiện lên hình dáng khác nhau. Có góc thấy con voi trầm ngâm, có góc thấy nậm rượu khổng lồ, thoắt hiện trong mây vờn bên hồ thủy điện Tuyên Quang gắn với nhiều truyền thuyết về mảnh đất “99 ngọn núi, Phượng Hoàng bay về đây làm tổ”. Dù ở mảnh đất này từ lâu, nhưng nhiều người Na Hang không khỏi tò mò về sự huyền bí, linh thiêng của nó. Còn du khách thì tấm tắc khen “đẹp quá, lãng mạn quá”.
Năm 2007, Công trình thủy điện Tuyên Quang hoàn thành đưa vào sử dụng, hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình trở thành một vùng hồ rộng 8.000 ha với cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình làm say đắm lòng người. Vẻ quyến rũ của núi Pác Tạ đã khiến bao nhà thơ, nhà văn, nhạc sỹ, nhiếp ảnh gia phải “lao tâm khổ tứ”. Nhiều người đi lại nhiều lần để cố gắng miêu tả thành công “hình tượng” Pác Tạ trong tác phẩm của mình. Mỗi lần ngắm, mỗi góc ngắm Pác Tạ lại hiện ra khác nhau. Nếu như buổi sáng sớm Pác Tạ mờ ảo trong mây thì buổi trưa Pác Tạ lại lung linh soi bóng dưới hồ và buổi chiều Pác Tạ đẹp trong sắc hoàng hôn.
Nhiếp ảnh gia Hà Thế Đô, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cho biết, ông đã nhiều lần lặn lội lên Na Hang. Dù đi đâu cũng cố gắng chụp vài bức ảnh về núi Pác Tạ. Đến nay ông có vài chục kiểu chụp về Pác Tạ. Mỗi kiểu lại có nét khác nhau. Thích nhất vẫn là chụp Pác Tạ vờn mây, bên dưới là những chuyến thuyền du lịch đang hối hả chở khách. Nhiều người lại chọn “phơi sáng” khi công trình thủy điện Tuyên Quang lên đèn, xa xa là ngọn Pác Tạ trong đêm. Trước năm 2002, khi Nhà máy thủy điện Tuyên Quang chưa xây dựng, đứng dưới điểm giao thoa giữa sông Gâm và sông Năng, Pác Tạ cao vời vợi hơn bây giờ. Giờ mực nước dâng lên cao, một phần chân núi Pác Tạ bị chìm trong nước, vẻ đẹp của Pác Tạ có khác đi chút, nhưng vẫn lung linh say đắm lòng người.
Pác Tạ như “logo” định sẵn. Cứ thấy Pác Tạ là nghĩ ngay đến Na Hang. Nhiều bức ảnh đẹp chụp về ngọn Pác Tạ đã được huyện dùng làm quà lưu niệm, khiến du khách thích thú. Bà Nguyễn Mai Hương, công tác ở Kho bạc Nhà nước (Hà Nội) tâm sự, gia đình bà rất thích đi du lịch Na Hang. Đi chơi vùng lòng hồ sinh thái, ở homestay, song nhất định lên Na Hang là phải chụp ảnh với ngọn Pác Tạ và tham quan đền Pác Tạ.
Theo như các cụ cao tuổi kể lại, nằm dưới chân núi Pác Tạ có dấu tích của một ngôi đền cổ, điểm hợp lưu giữa hai dòng sông thờ vị hôn thê người địa phương của vị tướng giỏi Chiêu Văn Vương - Trần Nhật Duật lúc đó đang trấn thủ vùng đất Tuyên Quang để đánh đuổi quân Nguyên Mông lần thứ 2. Qua nhiều lần thay đổi vị trí, trùng tu, năm 2008 đền Pác Tạ được khởi công xây dựng lại, năm 2009 khánh thành và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia. Vị hôn thê của tướng quân Trần Nhật Duật được người dân suy tôn làm Thánh Mẫu dưới ngọn Tạ sơn huyền sử. Hiện nay, núi Pác Tạ, đền Pác Tạ là địa chỉ hấp dẫn khách trong tour du lịch sinh thái, văn hóa nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình, danh thắng Quốc gia đặc biệt, chắc chắn sẽ thu hút đông đảo du khách gần xa.
Theo TQĐT