Tỉnh Tuyên Quang tham dự Hội nghị 'Quảng bá, xúc tiến, liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng vùng Tây Bắc năm 2017' tại Lào Cai

Thứ năm, ngày 21/12/2017 - 10:02
Đã xem: 1,456 views

Để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh Tuyên Quang và thúc đẩy hoạt động quảng bá, xúc tiến, phát triển du lịch theo hướng liên kết phát triển du lịch vùng, giữa vùng Tây Bắc với các tỉnh trong và ngoài nước. Tỉnh Tuyên Quang đã tham dự Hội nghị "Quảng bá, xúc tiến, liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng vùng Tây Bắc năm 2017" của Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức tại thành phố Lào Cai vào ngày 16/12/2017 vừa qua.

     Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc cùng các đồng chí: Hầu A Lềnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng Cục du lịch; đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam; đại diện 14 tỉnh miền núi và trung du phía Bắc và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành trong cả nước.

    Tây Bắc là một vùng rộng lớn với nhiều dân tộc thiểu số sinh sống mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo, có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và khí hậu đa dạng nên có tiềm năng rất lớn để phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách trong và ngoài nước. Đối với vùng Tây Bắc, liên kết đang là xu hướng tốt, được nhiều địa phương tích cực tham gia để phát triển du lịch, một số mô hình liên kết đã cho kết quả bước đầu, cụ thể như: Mô hình liên kết giữa ba tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ trong chương trình du lịch về cội nguồn; Mô hình liên kết giữa sáu tỉnh Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn) trong chương trình Qua những miền di sản Việt Bắc và tám tỉnh Tây Bắc mở rộng (Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hoà Bình, Phú Thọ, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên) cũng đã hình thành để phát triển du lịch bằng dự án cung đường Tây Bắc, xây dựng tour đi qua những bản làng xa xôi của Tổ quốc, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào miền núi bằng du lịch.

Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Tuyên Quang tại Hội Nghị

    Việc đẩy mạnh liên kết hợp tác sẽ tạo điều kiện cho du lịch Tây Bắc phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương. Tuy nhiên, trong phát triển du lịch, đến nay, Tây Bắc vẫn là vùng tuy giàu tiềm năng, phong phú, đa dạng về tài nguyên du lịch nhưng vẫn chưa được khai thác hiệu quả và phát triển bền vững; Chưa phát triển xứng tầm cả về quy mô và tính chất, sức cạnh tranh kém so với các vùng du lịch khác trong cả nước. Hiệu quả kinh tế du lịch còn khiêm tốn, chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế địa phương. Điều kiện hạ tầng còn nhiều khó khăn, hoạt động du lịch còn manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm du lịch còn đơn sơ, rời rạc, chất lượng chưa cao, chưa có thương hiệu thu hút thị trường trong và ngoài nước.

    Tại hội nghị, các nhà quản lý, các chuyên gia, các doanh nghiệp du lịch đã tích cực thảo luận về các giải pháp, cơ chế chính sách về tăng cường liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc. Phần lớn ý kiến của các đại biểu đều đánh giá cao tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch của các tỉnh Tây Bắc. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, “Tây Bắc với những giá trị nổi bật và khác biệt từ thiên nhiên hùng vỹ, văn hóa đặc sắc, lịch sử hào hùng... mang tới những cảm hứng và trải nghiệm đặc biệt, đủ điều kiện thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế”.

    Tuy nhiên, hiện nay phát triển du lịch tại Tây Bắc còn nhiều khó khăn, hạn chế. Để phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có tính động lực, các tỉnh Tây Bắc nhất thiết phải chú trọng công tác liên kết. Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, ông Nguyễn Văn Bình cũng nhấn mạnh: “Kết quả phát triển du lịch vùng Tây Bắc còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng và thế mạnh của từng địa phương là do sự phối hợp giữa bên còn thiếu gắn kết, hoạt động hợp tác phát triển du lịch và liên kết quảng bá, xúc tiến nhìn chung còn manh mún, dàn trải, tự phát...” Chính vì vậy, để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch vùng Tây Bắc, các đại biểu nhất trí cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến và liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của mỗi địa phương, tạo thành chuỗi du lịch khép kín, bảo đảm chất lượng và an toàn.

Lễ ký cam kết liên kết xúc tiến, phát triển sản phẩm du lịch vùng Tây Bắc với doanh nghiệp lữ hành

    Cũng tại hội nghị, các địa phương và doanh nghiệp du lịch đã ký cam kết liên kết xúc tiến sản phẩm du lịch vùng Tây Bắc, như công ty Saigontourist với các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, công ty Hanoitourist với các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, công ty Vietravel với các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang... Dịp này, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã khen thưởng 12 doanh nghiệp du lịch có thành tích xuất sắc trong đầu tư, liên kết, phát triển sản phẩm du lịch vùng Tây Bắc.

Phạm Hương