Hát Sình Ca, lưu giữ nét độc đáo của người Cao Lan

Thứ năm, ngày 16/11/2017 - 13:48
Đã xem: 2,549 views

Tuyên Quang là nơi cư trú của hơn 66.800 người Cao Lan, chiếm gần 40% tổng số người Cao Lan trong cả nước. Nơi đây, đồng bào Cao Lan đã và đang tích cực gìn giữ, phát huy làn điệu Sình Ca – một di sản văn hóa phi vật thể quý báu của dân tộc.

     Trong tiếng Cao Lan, Sình ca hay “Sịnh ca”, “Sềnh ca” có nghĩa là “thần”, “chúa”. Sình ca cũng có nghĩa là “xướng” - hát lên, cách gọi như vậy gần giống với cách gọi của người Tày đối với loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian: Then – thức “thiên”, “trời”. Người Cao Lan có lối sáng tác Sình ca theo thể thơ Thất ngôn tứ tuyệt, ghi chép bằng chữ Hán. Nội dung câu hát thắm đượm tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa, yêu lao động và những khát vọng về cuộc sống hạnh phúc.

    Truyền thuyết kể rằng: Khi mới biết nói cô bé Lưu Ba đã hát những bài đồng dao cho đám trẻ hát theo. Lớn lên trở thành cô gái xinh đẹp hát hay, rất giỏi đối đáp. Cha mẹ mất sớm, cô gái ở với anh trai và chị dâu. Dẫu thương em nhưng người anh nhu nhược, sợ vợ. Chị dâu là người tham lam nham hiểm. Lớn lên Lưu Ba càng xinh đẹp, càng hát hay. Chị dâu tức tối tìm mọi cách hãm hại. Nào bắt làm việc quần quật suốt ngày; nào gói đá làm bánh bắt luộc khi nào chín mềm mới được đi xem hội; nào bắt trèo cây Phạc van rồi đốn gốc cho đổ làm Lưu Ba nhiều phen chết đi sống lại. Dù luôn bị chị dâu hành hạ, làm hại tiếng hát của Lưu Ba vẫn bay bổng vang xa.

    Đêm xuân hát ví, nàng đem lòng yêu chàng trai nghèo. Hai người hát mấy đêm không ai chịu thua. Già trẻ bản gần làng xa nghe hát quên cả lên nương, ra đồng, người già quên cả giã cối trầu. Tiếng hát của hai người cứ nối nhau cất lên, quyện vào nhau vang vọng đêm khuya, làm cho người già quên ngủ, người trẻ nhẩm theo học lấy. Nhiều người thuộc nhiều câu, chắp lại thành những đêm hát.

    Nhưng rồi nàng bị anh chị ép gả cho con một nhà chúa đất giàu có. Sợ nàng hát lên những lời phản kháng, nên khi tiễn em về nhà chồng, người anh đưa cho nàng chiếc kéo đã buộc chỉ, dặn rằng, hễ bao giờ chiếc kéo mở ra nàng mới được nói. Suốt ba năm ở nhà chồng, nàng làm người câm điếc. Trong lòng luôn nhớ đến người yêu, ấp ủ hàng ngàn lời ca yêu thương.

    Hai cô em chồng tìm mọi thuốc thang để nàng cất lời nhưng nàng vẫn câm lặng. Một hôm nàng cùng cô em chồng ra suối gánh nước. Nghe tiếng chim hót líu lo, cầm lòng không đặng nàng cất lên lời hát. Cô em chồng lần đầu nghe thấy tiếng chị dâu từ ngày về nhà mình sợ vã mồ hôi. Hồi lâu cô mới nói được:

    - Về nhà đi chị ơi!

    Lưu Ba trả lời:

   - Chị không thể về.

    Rời bỏ nhà chồng, nàng tự giải thoát cuộc đời mình. Nàng đi hết bản này sang bản khác hát những bài ca mình làm ra, truyền những bài ca ấy cho trai gái dân tộc Cao Lan khắp mọi miền. Trong lòng vẫn mong tìm gặp được người tình cũ. Niềm mong mỏi luôn thôi thúc nàng vượt suối ngàn đèo dốc cất vang những lời yêu thương quên tháng quên ngày.

    Đến một ngày kia trước mặt nàng hiện ra con suối nước trong xanh, hỏi thì biết tên là suối Chín Khúc. Người già cũng nói cho nàng biết, từ độ nàng lấy chồng, chàng người yêu đến tu và viên tịch bên suối này. Nàng bèn xuống suối tắm cho thân thể được thanh sạch. Chợt soi mình thấy một bà già thân hình tiều tuỵ, còn đâu nàng Lưu Ba tươi trẻ ngày nào. Nàng thấy mình thật là cô đơn, dốc hết sức lực cố bơi vào bờ, ngồi tựa gốc thông hát lên những lời thương tiếc và trút hơi thở cuối cùng. Hồn nàng nhập vào gốc thông. Cây thông quanh năm xanh tươi, bốn mùa hát những bài ca tình yêu tha thiết. Vì thế mà hễ nơi nào có cây thông là người Cao Lan lập cây nhang thờ nàng, lấy đá đắp vào gốc coi đó là mộ nàng Lưu Ba.

    Những lời ca tình yêu thương nhớ được nàng hát lên trong suốt mấy chục năm trời đi tìm người yêu được truyền lại cho người đời sau, chép lấy làm thành những tập sách hát. Người Cao Lan coi nàng là bà chúa thơ ca, thiêng liêng, đầy uy lực ngang hàng với thần núi, thần sông, tồn tại mãi mãi... các cuộc hát vui xuân, hát ví, hát đám cưới đều có lời hát mời hồn nàng về nhập cuộc, hướng cho lời được bay bổng. Kết thúc cuộc vui lại có lời ca tiễn nàng về nơi cõi Phật.

    Theo sách Lễ hội ở Tuyên Quang của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Tuyên Quang thì Sình ca của đồng bào Cao Lan ở Tuyên Quang được chia thành 2 nhóm theo môi trường diễn xướng: Sình ca ban ngày và Sình ca ban đêm.

    Sình ca ban ngày thường được tổ chức trong lễ hội đầu xuân năm mới, trong đám cưới, đám tang, trong lao động sản xuất. Vào những dịp lễ tết đầu xuân, người Cao Lan tổ chức lễ hội tại sân đình làng, nơi có cảnh sắc không gian đầm ấm, thân quen. Sau những phần tế lễ Thành Hoàng làng, mọi người lại cùng nhau hát Sình ca. Sình ca trong hội xuân gồm các bước: Vèo ca (hát gọi), Sạo ca (Hát dạo đầu), Mầng ca (Hát thề thốt).

    Sình ca ban đêm là thể loại phong phú nhất, có tính chất bao trùm của hát Sình ca. Môi trường diễn xướng chủ yếu ở trong nhà. Sình ca ban đêm được viết bằng chữ nho thành 12 tập, mỗi tập có chủ đề riêng và tương ứng với một đêm hát. Vì vậy, Sình ca ban đêm thường được kéo dài từ 11 đến 12 đêm, tùy theo sự hấp dẫn và thể hiện của từng nhóm.

    Đặc trưng của Sình ca là hát giao duyên và sử ca. Chỉ nam thanh nữ tú chưa lập gia đình mới hát đối đáp. Những người đã lập gia đình, người cao tuổi thì đứng đằng sau dạy hát, làm cố vấn. Có hai hình thức hát: Một là hát Ý ca, nghĩa là lời hát nhỏ, âm thanh nhỏ, cũng có nghĩa là hát tâm tình, không muốn cho người khác nghe thấy, mà chỉ hai người tình đang yêu "ăn lời" của nhau. Tạm gọi là Sình ca tình yêu. Về số lượng Sình ca tình yêu thật là phong phú, có thể được sáng tạo bất chợt trong những cuộc hát đối đáp. Ý nghĩ và lời ca dường như luôn tiềm ẩn trong đầu các chàng trai cô gái tuổi yêu đương. Vào cuộc, gặp người ăn ý là hát được, càng hát càng xuất khẩu những lời hay. Hai là hát đối đáp giao duyên, tức là một bên nam, một bên nữ hát những lời ca về cuộc sống, lao động, con người.... Những lời giao duyên rất phong phú và đa dạng, có thể được biến tấu theo từng hoàn cảnh.

    Câu hát, điệu múa Sình ca từ lâu đã trở thành một phần máu thịt của đồng bào dân tộc Cao Lan, dù có đi xa đến đâu nhưng đến khi quay trở về quê hương hay vô tình vô tình gặp gỡ thì những người con Cao Lan vẫn có thể ca lên những giai điệu Sình Ca mang đậm tinh thần dân tộc ấy.

Kiều Anh