Nón tre đan là một trong 2 sản phẩm được huyện Chiêm Hóa lựa chọn tham dự Cuộc thi “Thiết kế sản phẩm du lịch” và “Sáng tác biểu trưng (logo), khẩu hiệu (slogan) du lịch” Tuyên Quang. Điều đó khiến chúng tôi thực sự tò mò, muốn tìm hiểu về những người làm nón tre và nét độc đáo của sản phẩm này.
Sản phẩm của sự bền bỉ
Đã hẹn trước, nên anh Ma Doãn Nhượng, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang dẫn chúng tôi đến nhà bà Ma Thị Liễu, người đã mang nghề đan nón tre về xã. Đón khách với nụ cười rạng rỡ, bà kể cho chúng tôi nghe về cái duyên của mình khi đến với nghề. Năm 2016, bà xuất hiện những cơn đau đầu triền miên cộng thêm bệnh thoái hóa cột sống nên phải xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị. Điều không may đã xảy ra, những trận đau đầu ấy đã ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác và lấy đi ánh sáng mắt trái của bà.
Trước đây, gia đình bà chủ yếu làm nông nghiệp, với tình hình sức khỏe hiện tại mọi người khuyên bà nên tìm một công việc phù hợp hơn. Vì vậy, được người quen giới thiệu, bà đã tìm đến ông Quan Văn Ơn, tổ 7, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) để học nghề đan nón tre. Tuy bị khuyết tật một mắt nhưng với sự khéo léo, lòng quyết tâm cộng với trước đó đã biết qua về nghề đan, bà tiếp thu rất nhanh. Chỉ sau 3 ngày học, bà đã làm hoàn chỉnh được một sản phẩm nón tre.
Người dân xã Minh Quang (Chiêm Hóa) sản xuất nón tre đan.
Bà Liễu chia sẻ, để đan hoàn chỉnh 1 sản phẩm nón tre mất rất nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn đều cần sự tỉ mỉ và kỳ công khác nhau. Đối với nguyên liệu để đan nón, bà thường lên núi cao tìm những cây tre giang bánh tẻ, những cây tre này phải đảm bảo thân thẳng đẹp, các gióng đều nhau. Mỗi buổi lên rừng lấy tre như thế, khi về bà thường đan được 50 cái nón. Tre giang sau khi lấy về sẽ được vót vỏ xanh, cho vào lò sấy trong khoảng 3 ngày, sau đó để nguyên trong lò 1 tuần mới lấy ra ngâm nước 1 ngày và đem đi phơi khô. Lúc đó, tre đã đạt tiêu chuẩn dẻo, dai và được chẻ thành lạt để đan nón.
Công đoạn tỉ mỉ nhất có lẽ là việc chẻ lạt, người thợ phải chẻ làm sao cho chiều rộng mỗi lạt đều bằng 8 mm, lạt mỏng đều nhau khi đan nón mới phẳng và tạo được sự mềm mại cho chiếc nón. Công đoạn xử lý tre quyết định đến độ bền của chiếc nón, tre được xử lý tốt chiếc nón có thể sử dụng được trong khoảng thời gian 5 năm. Sau khi đan thành phẩm, chiếc nón sẽ được quét qua 1 lớp keo và 1 lớp dầu bóng. Công đoạn này góp phần cho chiếc nón thêm bóng bẩy, bắt mắt thu hút được người tiêu dùng.
Chính vì làm 1 chiếc nón tre mất nhiều thời gian và công đoạn nên nếu không thực sự yêu thích thì khó có thể theo được với nghề. Bà Liễu cũng đã dạy nghề cho nhiều phụ nữ trong xã. Nhiều người yêu thích đã dành thời gian để học và làm hoàn chỉnh được sản phẩm để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, cũng có những người chỉ học để đan phục vụ nhu cầu của gia đình. Mỗi năm, bà Liễu thường đan được từ 40 - 60 sản phẩm nón tre, mỗi sản phẩm bán ra thị trường với giá từ 120 - 180 nghìn đồng, tạo nguồn thu nhập ổn định để bà trang trải cuộc sống.
Cơ hội quảng bá du lịch
Với những nét độc đáo riêng có, sản phẩm nón tre đan của xã Minh Quang cùng với chiếc đàn Tính đã trở thành 2 sản phẩm tiêu biểu được huyện Chiêm Hóa chọn tham dự Cuộc thi “Thiết kế sản phẩm du lịch” và “Sáng tác biểu trưng (logo), khẩu hiệu (slogan) du lịch” Tuyên Quang. Sau khi gửi sản phẩm đi dự thi, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh đã liên hệ trực tiếp với xã đặt nón tre đem đi tham dự triển lãm trong Chương trình “Ngày hội du lịch thành phố Hồ Chí Minh - Khám phá hè 2018” tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào trung tuần tháng 4 vừa qua.
Nón tre đan trở thành nét đặc trưng và được người dân xã Minh Quang (Chiêm Hóa) sử dụng hàng ngày.
Chị Phạm Thị Hương, cán bộ phụ trách du lịch, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh cho biết, sản phẩm nón tre đan xã Minh Quang đã nhận được sự yêu thích của hàng nghìn du khách tham gia ngày hội. Trên mỗi sản phẩm nón tre đan, các địa danh du lịch nổi tiếng của Tuyên Quang như: Thác Bản Ba (Chiêm Hóa); Khu du lịch sinh thái Na Hang, Lâm Bình… đã được phác họa nơi vành nón. Đây chính là một cơ hội thuận lợi để quảng bá, thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh phát triển.
Hiện nay, ở Minh Quang có 5 hộ gia đình tham gia sản xuất nón tre đan. Với những tín hiệu tích cực đối với sự phát triển kinh tế cũng như tiềm năng quảng bá du lịch mà chiếc nón tre mang lại, xã đang tiến hành lập kế hoạch phát triển nghề đan nón tre để trình UBND huyện. Anh Ma Doãn Nhượng, Phó Chủ tịch UBND xã nói, với mong muốn đưa sản phẩm nón tre đan trở thành một trong những nghề chủ lực góp phần phát triển kinh tế của địa phương, hiện nay xã đang tập trung sà soát những hộ gia đình có lực lượng lao động dôi dư để phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lớp dạy nghề đan nón tre. Bên cạnh đó, tìm hiểu những điều kiện cần thiết để có thể thành lập Hợp tác xã sản xuất nón tre đan trên địa bàn, nhằm ổn định chất lượng, số lượng sản phẩm và góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động tại địa phương.
Mặc dù chiếc nón đã trở thành hình ảnh gắn bó với người nông dân từ bao đời nay, nhưng tại mỗi vùng miền, chiếc nón đều mang những nét đặc trưng riêng. Chiếc nón tre ở Minh Quang cũng vậy, tuy mới xuất hiện nhưng đã không còn là sản phẩm chỉ phục vụ nhu cầu che mưa, che nắng của người dân địa phương mà đã trở thành sản phẩm lưu niệm mang hình ảnh của mảnh đất Tuyên Quang với mong muốn sẽ được nhiều du khách biết đến. Hy vọng, thời gian tới với sự chung tay của người dân và chính quyền địa phương, mỗi khi nhắc đến xã Minh Quang, mọi người sẽ nhớ ngay đến sản phẩm nón tre đan đặc sắc. Và chiếc nón tre sẽ trở thành món quà ý nghĩa đối với du khách mỗi khi đến với xứ Tuyên.
Theo TQĐT