Nâng cao chất lượng hướng dẫn viên du lịch

Thứ ba, ngày 16/04/2019 - 11:21
Đã xem: 1,038 views

Toàn tỉnh hiện có gần 100 hướng dẫn viên, thuyết minh viên, trong đó, có 20 hướng dẫn viên được cấp thẻ, còn lại là các thuyết minh viên hoạt động hầu hết tại các khu du lịch, điểm du lịch của tỉnh. Hàng năm, Sở cùng các đơn vị, địa phương thường xuyên mở các lớp tập huấn, tổ chức thi, góp phần chuẩn hóa đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương) là một trong những điểm đến thu hút lượng khách du lịch nhiều nhất trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Ban quản lý có 12 hướng dẫn viên, trong đó có 11 hướng dẫn viên có trình độ chuyên môn đại học. Chị Lành Thị Kiên đã có 10 năm kinh nghiệm làm hướng dẫn viên tại Ban Quản lý Khu di tích lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào chia sẻ: “Hằng năm, chúng tôi đều được bồi dưỡng, nâng cao trình độ. Trong đó, được tham gia các lớp tập huấn, hội thi hướng dẫn viên du lịch giỏi”.

 

Hướng dẫn viên Ban Quản lý Khu di tích lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào (Sơn Dương) giới thiệu về di tích lịch sử Lán Nà Nưa cho du khách. Ảnh: Minh Thủy

Huyện Lâm Bình, Na Hang là các địa phương tích cực trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ làm du lịch. Huyện thường xuyên phối hợp với Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Tân Trào mở lớp tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch, các lớp ngắn hạn về du lịch. Anh Hoàng Văn Thức, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lâm Bình cho biết, đầu năm 2019, huyện phối hợp với trường Đại học Tân Trào mở lớp ngắn hạn về du lịch. Trong vòng 3 tháng, các hướng dẫn viên, thuyết minh viên đã được bồi dưỡng về kỹ năng chào đón khách, cách thức giới thiệu điểm du lịch của huyện, kỹ năng giao tiếp...

Chị Trần Thị Hải, hướng dẫn viên du lịch tại Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái Na Hang chia sẻ: “Hướng dẫn viên là một nghề đặc thù. Do đó, chúng tôi luôn xác định phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức về mọi mặt, cũng như hiểu biết về khoa học và xã hội, kỹ năng trong cuộc sống... Có như thế mới nâng cao được trình độ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách”.

Tuy nhiên, trên thực tế hướng dẫn viên du lịch còn thiếu, đặc biệt là người có trình độ ngoại ngữ để giao tiếp với khách du lịch nước ngoài còn ít. Theo anh Nguyễn Văn Bảo, Giám đốc Công ty Du lịch Hương Việt (TP Tuyên Quang), một trong những khó khăn của doanh nghiệp là tìm kiếm đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Nhiều năm qua, Công ty phải thuê các cộng tác viên ở các địa phương khác đến hỗ trợ. Do đó, Công ty thường xuyên bị động trong việc điều phối nhân viên.

Chị Nguyễn Thị Huế, Phó trưởng Phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch nói, đây là thực trạng chung của nhiều địa phương trong cả nước. Để xây dựng nguồn nhân lực du lịch, bên cạnh việc tuyển dụng và những chính sách đãi ngộ thì tỉnh có hoạt động đào tạo. Cụ thể, từ năm 2017, trường Đại học Tân Trào đã mở Khoa Văn hóa - Du lịch, đào tạo nhân lực du lịch, trong đó có hướng dẫn viên du lịch cho tỉnh. Hiện nhà trường có 2 lớp học với 30 học viên.

Hướng dẫn viên du lịch có vai trò quan trọng quyết định sự thành công của một tua du lịch, để du khách tiếp tục quay trở lại tham quan, trải nghiệm. Vì vậy, việc nâng cao số lượng cũng như chất lượng hướng dẫn viên du lịch là nhu cầu bức thiết để “tạo đà” phát triển ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh.

Nguồn: Báo Tuyên Quang